Tác giả: Trần Quang Minh, Phạm Hồng Thái chủ biên
Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2014, 366 trang
Kí hiệu: Vv2676
Tăng cường chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trong nhiều năm qua. Từ năm 2013, nhiệm vụ này tiếp tục được nâng cao thêm một bước, bên cạnh việc chú trọng chất lượng khoa học của các đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước, mảng đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở, sau một số năm gián đoạn không thực hiện, đã được Lãnh đạo Viện đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, chất lượng các đề tài cấp Cơ sở của Viện nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2013 đã được Hội đồng Khoa học của Viện đánh giá cao. Trong số hơn 20 đề tài cấp Cơ sở của Viện năm 2013, nhiều đề tài đã được nghiệm thu đạt loại Xuất sắc, phần lớn các đề tài đạt loại Khá.
Nhằm kịp thời xã hội hóa những kết quả nghiên cứu khoa học đã đạt được, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã lựa chọn một số Báo cáo tổng hợp của các đề tài có chất lượng tốt nhất, bổ sung, chỉnh sửa và biên tập thành cuốn sách có tiêu đề “Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2013”.
Nội dung của cuốn sách đề cập đến các vấn đề cơ bản và nổi bật trên tất cả các lĩnh vực của khu vực Đông Bắc Á hiện nay. Về chính trị - an ninh, các nhà nghiên cứu tập trung vào việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản và tác động đến chính trị - an ninh Đông Bắc Á, vấn đề Trung Quốc và an ninh Đông Bắc Á. Về kinh tế, các tác giả đi sâu vào vấn đề liên quan đến công nghiệp phụ trợ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, vấn đề chính sách quản lý thân thiện gia đình trong các doanh nghiệp Hàn Quốc. Về kinh tế quốc tế, các bài viết nhấn mạnh đến vấn đề liên kết kinh tế Đông Á và sự tham gia của Nhật Bản, vấn đề quan hệ kinh tế ASEAN - Đài Loan trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, vấn đề quan hệ kinh tế Nhật - Trung từ năm 2000 đến nay. Về môi trường, đó là vấn đề phát triển năng lượng xanh và chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc. Về văn hóa, các nhà nghiên cứu đi sâu phân tích vấn đề hành vi từ chối lời cầu khiến trong tiếng Nhật, vấn đề vai trò của điện ảnh trong Làn sóng Hàn Quốc. Về xã hội, đó là vấn đề gia đình tại các đô thị lớn của Nhật Bản từ năm 1990 đến nay, vấn đề thực trạng người lao động nước ngoài tại Nhật Bản.
Để thuận tiện cho bạn đọc trong quá trình theo dõi, cuốn sách được chia thành 2 tập. Tập 1 bao gồm các vấn đề về Chính trị - an ninh, kinh tế và quan hệ kinh tế quốc tế của các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Tập 2 bao gồm các vấn đề về môi trường, văn hóa và xã hội Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cụ thể, trong tập 1 này, nội dung cuốn sách gồm 3 phần chính như sau:
Phần 1: Chính trị - An ninh. Phần này giới thiệu hai công trình nghiên cứu của cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á là Vấn đề sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản và những tác động đối với chính trị và an ninh Đông Bắc Á; Vai trò của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Phần 2: Kinh tế. Trong đó trình bày hai bài viết là Cơ chế thầu phụ trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và hàm ý cho Việt Nam; Chính sách quản lý thân thiện gia đình của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Phần 3: Quan hệ kinh tế quốc tế. Ở đây đưa ra ba công trình nghiên cứu về Liên kết kinh tế tại Đông Á - một số vấn đề lí luận và thực tiễn; Quan hệ kinh tế Đài Loan - ASEAN trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI; Quan hệ kinh tế Nhật - Trung từ năm 2000 đến nay.
Thông qua 366 trang, cuốn sách đã giới thiệu khá đầy đủ các công trình nghiên cứu khoa học thuộc diện đề tài cấp Cơ sở năm 2013 của cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Với logic trình bày khá hợp lý, chia các công trình nghiên cứu thành các mảng cụ thể, cuốn sách giúp bạn đọc dễ dàng nắm bắt vấn đề. Đây thực sự là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc, nhất là các bạn đọc nghiên cứu về khu vực Đông Bắc Á.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á