Trang chủ

Những biến đổi trong vai trò trụ cột gia đình ở Nhật Bản hiện nay

Đăng ngày: 26-08-2024, 13:43 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 12

Nguyễn Thị Hồng Vân1

Tóm tắt: Ở Nhật Bản, “mô hình gia đình phụ hệ”, “mô hình nam giới là trụ cột kiếm tiền” hay “mô hình gia đình một trụ cột”… đều nhấn mạnh đến vai trò trụ cột chính trong gia đình là nam giới. Quan niệm này đã tồn tại suốt từ thời cổ đại (thế kỉ IV) đến ngày nay. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế kéo dài từ những năm 1990 đã tác động mạnh mẽ đến việc phân công lao động cũng như vai trò, vị trí của nam giới và phụ nữ trong các gia đình. Bài viết đề cập thực trạng và những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi trong vai trò trụ cột gia đình ở Nhật Bản từ 1990 đến nay.

Từ khóa: Xã hội, gia đình, trụ cột gia đình, Nhật Bản

 


1. Khái quát về vai trò trụ cột trong gia đình ở Nhật Bản [1]

Ở Nhật Bản, “mô hình gia đình phụ hệ”, với vai trò trụ cột chính trong gia đình là nam giới - người chồng, người cha - đã tồn tại suốt từ thời cổ đại (thế kỉ thứ IV) đến những năm đầu hiện đại (thập niên 1950)[2]. Tuy nhiên, từ nửa cuối những năm 1950 đến những năm 1960, khi dòng dân cư đổ về các thành phố đã dẫn đến cuộc cách mạng cơ cấu gia đình và dần mất đi chế độ gia trưởng (lấy con trưởng làm trung tâm), nơi mà thông qua gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được gắn kết, đã làm cho giá trị quan về gia đình thay đổi đáng kể. Mối quan hệ trong gia đình dần trở nên suy yếu, hình thái gia đình cũng biến đổi và hình thành nên “mô hình nam giới là trụ cột gia đình/nam giới kiếm tiền男性稼ぎ主モデル” tồn tại cho đến ngày nay.

Trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều hộ gia đình kiếm sống từ hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tình trạng cả hai vợ chồng cùng làm việc diễn ra phổ biến. Công việc nội trợ và chăm sóc con cái không tách biệt rõ ràng với các hoạt động sản xuất của gia đình, ví dụ như phụ nữ phải trông con, làm việc nhà và làm các công việc đồng áng... Tuy nhiên, trong giai đoạn này, số lượng người đi làm việc ở các thành phố tăng lên và số lượng những người làm những ngành nghề gắn liền với tự nhiên (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, hay còn gọi những ngành nghề khu vực thứ nhất) giảm xuống. Xu hướng này ngày càng rõ rệt hơn, số lượng lao động trong ngành nghề nói trên đã giảm từ 54% năm 1920 xuống còn 4% vào năm 2015. Mặt khác, các ngành công nghiệp thuộc khu vực hai (chế tạo, xây dựng...) và khu vực ba đã chiếm phần lớn trong những năm 1960.

Do lượng người đổ về làm việc ở thành phố nên đã hình thành các gia đình đô thị, điều này có tác động lớn đến việc “mô hình gia đình phụ hệ” bị phá vỡ và hình thành “mô hình nam giới là trụ cột/nam giới kiếm tiền”. Nói cách khác, đã có sự chuyển đổi từ hình thái đại gia đình phụ hệ - gia đình lớn gồm nhiều cặp vợ chồng bố mẹ, con cái, cháu chắt, tính theo huyết thống của người cha, sang hình thái gia đình hạt nhân - gia đình có hai thế hệ gồm cha mẹ và con cái. Đặc biệt là ở các khu vực thành thị, sau cuộc cách mạng công nghiệp, việc hình thành hệ thống sản xuất hàng loạt trong các nhà máy lớn của ngành công nghiệp nặng đã tạo ra sự xuất hiện của nam giới làm công ăn lương có khả năng nuôi vợ con. Hôn nhân với trách nhiệm chăm lo cho gia đình được xã hội coi là “công việc” trong cuộc sống của người vợ. Do đó, sự phân công lao động theo giới tính, “chồng ra ngoài làm việc, vợ ở nhà làm việc nhà”, trở nên phù hợp và “mô hình nam giới là trụ cột gia đình” ngày càng lan rộng. Xu hướng này tăng nhanh trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao và đạt đỉnh vào những năm 1970. Nếu như năm 1960, tỉ lệ người vợ ở nhà làm nội trợ toàn thời gian ở độ tuổi 25-34 chiếm 40%, thì đến năm 1975 là trên 55%[3]. Điều này cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ số lượng phụ nữ sau khi kết hôn ở nhà làm nội trợ. Ở thời kì này, “mô hình nam giới là trụ cột gia đình” đã trở thành hình mẫu cho các gia đình Nhật Bản. Nếu như ở châu Âu và Mỹ, vai trò làm việc nhà có xu hướng nghiêng về phụ nữ, thì ở các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, hầu như người phụ nữ phải gánh vác toàn bộ việc nhà, những “công việc không tên” như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con cái... Về mặt tư tưởng, các nhà nghiên cứu cho rằng, nền tảng của mô hình nam giới là trụ cột gia đình vẫn là sự tồn tại của hệ tư tưởng gia trưởng được hình thành từ thời cổ đại đến đầu thời kỳ hiện đại.

Yếu tố khiến mô hình nam giới là trụ cột kiếm tiền lo cho gia đình được phổ biến là nhờ Chính phủ Nhật Bản, thông qua các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn. Ở thời kì này, các doanh nghiệp đã tích cực can thiệp vào gia đình của nhân viên và tham gia vào việc đào tạo vai trò của người vợ, những người chịu trách nhiệm nội trợ và chăm sóc con cái. Điển hình như “Phong trào Cuộc sống mới” vào những năm 1950, do các công ty lớn và liên đoàn lao động của các công ty tổ chức, trong đó vợ của các nhân viên nam được dạy nhiều thứ, từ cách giữ tài khoản gia đình đến cách kiểm soát việc sinh con… Ngoài ra, người vợ nội trợ được huy động đi tham quan các nhà máy nơi chồng họ làm việc và được học về loại quần áo và giày dép phù hợp để đảm bảo an toàn. Thông qua các hoạt động này, cả hai vợ chồng đều nhận thức rõ về vai trò của mình. Chăm sóc gia đình trước hết là công việc của người vợ, việc hoàn thành tốt có thể góp phần vào năng suất và hiệu quả của người chồng tại nơi làm việc. Người vợ dù không lao động trực tiếp nhưng vẫn được mời tham dự nhiều hội thảo khác nhau để họ hiểu được tầm quan trọng của người vợ là không thể tách rời với sự thành công của người chồng và lớn mạnh của công ty. Chính vì vậy, khái niệm “lương gia đình”, trong đó thu nhập của người nam giới có trách nhiệm hỗ trợ gia đình được đưa vào hệ thống tiền lương, bao gồm cả phụ cấp phụ thuộc cho người vợ nội trợ. Các công ty lớn đã trả lương cho lao động nam để đặt ra những kỳ vọng về vai trò lớn hơn đối với người vợ được chia sẻ lợi ích. Chính vì vậy, các phương thức việc làm cho nam giới, bao gồm ba nhóm là việc làm suốt đời, tiền lương dựa trên thâm niên và công đoàn nội bộ, đã được thiết lập trong thời kỳ tăng trưởng cao. Phụ nữ bị giới hạn trong việc làm ngắn hạn, dựa trên cơ sở tiền đề là họ sẽ rời khỏi nơi làm việc sau khi kết hôn hoặc sinh con. Trong thời kỳ phát triển cao, hầu hết phụ nữ đã kết hôn đều trở thành người vợ nội trợ toàn thời gian. Khi các gia đình hạt nhân thuộc tầng lớp trung lưu ở Nhật Bản tiếp tục gia tăng, phụ nữ có ít con hơn và tập trung vào việc làm mẹ trong khi người chồng đi làm.

Kể từ nửa cuối những năm 1970, khi chế độ phúc lợi được thiết lập, mô hình nam giới trụ cột gia đình đã mở rộng hơn. Vào những năm 1980, các chính sách được đưa ra nhằm ưu đãi cho các gia đình có người vợ nội trợ toàn thời gian. Chẳng hạn như, hệ thống người được bảo hiểm bậc ba trong hệ thống lương hưu quốc gia và các khoản khấu trừ cho người phụ thuộc trong hệ thống thuế. Không chỉ phúc lợi xã hội mà cả hệ thống tiền lương, lương hưu, thuế, việc làm, văn hóa doanh nghiệp và hệ thống an sinh xã hội được tạo ra trên cơ sở hộ gia đình. Ngoài ra, cụm từ “sự chuyên nghiệp của người mẹ” và “sự tự tin và tự hào của người vợ nội trợ toàn thời gian” thường xuyên xuất hiện trong các văn bản của chính phủ sau thời kỳ này. Khi thời kỳ tăng trưởng cao kết thúc và nền kinh tế bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ, hình thức việc làm lao động bán thời gian tăng lên, thu hút một lượng lớn người mẹ đã trải qua giai đoạn nuôi con. Từ những năm 1980 trở đi, xu hướng phụ nữ nội trợ bắt đầu giảm và đã có nhiều phụ nữ đã lập gia đình nhưng vẫn đi làm. Nhiều phụ nữ làm các công việc đơn giản giống như công việc trong gia đình.

Có thể nói, “mô hình nam giới là trụ cột gia đình/nam giới kiếm tiền” với sự hỗ trợ của những người phụ nữ làm nội trợ toàn thời gian đã có những đóng góp tạo nên thời kì tăng trưởng tế cao và hình ảnh Nhật Bản với những nam nhân viên tận tụy, hết lòng vì công việc.

2. Vai trò trụ cột trong gia đình ở Nhật Bản hiện nay

Cho đến nay, dù đã và đang trải qua nhiều biến chuyển của tình hình kinh tế - xã hội, mô hình nam giới là trụ cột, kiếm tiền lo cho gia đình vẫn là đặc trưng về giá trị và niềm tin của người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, từ khái niệm quy chuẩn về trụ cột gia đình, dựa trên yếu tố thu nhập của gia đình, từ việc đóng góp tài chính với các mức độ khác nhau của người chồng và người vợ, có thể nhận thấy rằng, bước sang thập niên 1990 và đặc biệt là từ những năm 2010 đến nay, “mô hình nam giới là trụ cột gia đình” không còn chiếm đại đa số trong loại hình gia đình hạt nhân (cha mẹ và con cái) ở Nhật Bản mà đã được đa dạng hóa. Các nhà nghiên cứu xã hội cho rằng, hiện nay ở Nhật Bản, không chỉ có “mô hình gia đình một trụ cột” mà đã xuất hiện ngày càng nhiều gia đình theo “mô hình gia đình hai trụ cột”, hay nói cách khác, không chỉ có các “gia đình thu nhập đơn” mà ngày càng nhiều “gia đình thu nhập kép”.

2.1. Vai trò trụ cột trong các “gia đình thu nhập đơn”

Gia đình thu nhập đơn, hay gọi là gia đình một trụ cột, là loại hình gia đình có nguồn ngân sách từ thu nhập của người chồng hoặc người vợ. Từ thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao đến năm 1980, số lượng gia đình thu nhập đơn luôn gia tăng theo từng năm và chiếm ưu thế so với gia đình thu nhập kép. Nhưng kể từ năm 1980, gia đình thu nhập đơn đã bắt đầu giảm, từ 11,14 triệu hộ xuống mức 8,97 triệu hộ năm 1990. Trong những năm 1990 và 2000, số lượng hộ gia đình thu nhập đơn đã theo chiều hướng tăng, giảm đan xen. Chẳng hạn như, vào hai năm 1990 và 1991, số hộ đã giảm còn 8,97 triệu hộ và 8,88 triệu hộ. Từ năm 1992 đến 1995, số hộ tăng liên tục hàng năm, từ 9,03 triệu hộ lên đến 9,55 triệu hộ. Tuy nhiên, từ năm 1996 đến 1998, số hộ lại giảm, từ 9,37 triệu hộ xuống còn 8,89 triệu hộ. Chu trình này tiếp tục được lặp lại trong những năm tiếp theo cho đến năm 2008. Từ năm 2009 đến năm 2021, chiều hướng đi theo quỹ đạo giảm dần. Mức giảm mạnh nhất là từ năm 2020 đến năm 2021, từ 5,71 triệu hộ xuống còn 4,58 triệu hộ, như vậy, mức giảm đã là 1,13 triệu hộ[4].

Trong các hộ gia đình thu nhập đơn, số lượng hộ gia đình chồng làm việc toàn thời gian và người vợ nội trợ toàn thời gian là phổ biến. Khảo sát về tình trạng việc làm trên toàn Nhật Bản năm 2007, trong số 394.700 người vợ (có người chồng là chủ hộ), có đến 294.900 người không tham gia vào lực lượng lao động. Trong đó, số lượng người vợ là nội trợ toàn thời gian là 236.700 người. Cũng ở loại hình này, vào năm 2017, trong số 389.600 người vợ, có đến 309.700 người không tham gia vào lực lượng lao động. Trong đó, số lượng người vợ là nội trợ toàn thời gian là 238.100 người[5]. Một số còn đang đi học.

Xét về mức thu nhập hộ gia đình, ở nhóm từ 5 đến 5,99 triệu yên, trong số 3,157 triệu người vợ, có khoảng 1,342 triệu người không tham gia lực lượng lao động. Trong đó, số lượng người vợ là nội trợ toàn thời gian là hơn 1,243 triệu người. Ở nhóm thu nhập cao, từ 15 triệu đến 19,99 triệu yên, trong số 719.500 người vợ, có 192.400 người không tham gia lực lượng lao động. Trong đó, số lượng người vợ là nội trợ toàn thời gian là 181.300 người[6].

Xem xét ở góc độ tuổi tác, tỉ lệ người vợ nội trợ toàn thời gian cao tập trung ở nhóm 30-34 tuổi, 35-39 tuổi và 40-44 tuổi. Về mặt địa lý, gia đình chỉ có thu nhập của người chồng có tỉ lệ cao ở vùng Kyushu. Đây là khu vực mà nhận thức về các chuẩn mực giới tính truyền thống vẫn còn mạnh mẽ, nhiều người vợ có quan điểm ủng hộ hơn với hôn nhân truyền thống. Gia đình thu nhập đơn thường từ người chồng thu nhập cao và có định hướng nghề nghiệp vững vàng. Cũng có trường hợp người chồng làm việc bán thời gian với mức thu nhập của hộ gia đình dưới 1 triệu hoặc từ 1 đến 2 triệu yên và thường ở độ tuổi rất trẻ.

Gia đình thu nhập đơn từ người vợ đi làm và người chồng ở nhà chỉ chiếm tỉ lệ thấp. Khảo sát từ góc độ gia đình người vợ đứng tên chủ hộ, vào năm 2007, trong số hơn 4.000 người chồng có đến hơn 3.000 người không tham gia lực lượng lao động. Trong đó, số lượng người chồng là nội trợ toàn thời gian là 100 người. Vào năm 2017, trong số hơn 7.000 người chồng, có đến gần 6.000 người không tham gia lực lượng lao động. Trong đó, làm nội trợ toàn thời gian là 700 người[7].

Mặc dù trường hợp người vợ là người cung cấp sinh kế chính cho gia đình là rất ít nhưng đã dần hiện hữu hơn trước. Thực tế đã cho thấy đa số người chồng ban đầu không có ý định ở nhà hỗ trợ người vợ chăm sóc gia đình. Thông thường, người chồng quyết định nghỉ việc tạm thời và để vợ trở thành người kiếm tiền chủ yếu ở các gia đình trẻ. Điều này xảy ra trong những hoàn cảnh phát sinh như là ở nơi làm việc có thay đổi hoặc bị thất nghiệp, người chồng trong quá trình tìm công việc mới thích hợp hơn, tiếp tục đi học để thay đổi công việc, đã thay người vợ làm việc nhà và chăm sóc con cái trong giai đoạn con còn nhỏ. Một số trường hợp người vợ có công việc toàn thời gian, làm việc ở doanh nghiệp lớn, có thu nhập và hệ thống phúc lợi tốt hơn người chồng. Hầu hết các gia đình thu nhập đơn từ người vợ thì người chồng có nhận thức tiến bộ về vai trò giới nên ủng hộ sự nghiệp của người vợ. Như vậy, việc người vợ nắm vai trò tài chính đa số chỉ trong một khoảng thời gian cụ thể, tức là mang tính tức thời chứ không lâu dài.

Ngoài ra, một số người chồng ở nhà, không đi làm và công việc không ổn định tập trung ở các ngành văn hóa nghệ thuật hay thể thao… là chủ yếu. Tính chất công việc thiên về sáng tạo đòi hỏi một quá trình nên kết quả khó đo đếm theo kiểu thu nhập định kỳ như người chồng làm công ăn lương. Trải nghiệm nghỉ việc chăm sóc con cái của những người chồng cho dù chỉ trong vài tháng, họ có thể đồng cảm với người vợ về công việc gia đình. Điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với gia đình của họ sau này.

2.2. Vai trò trụ cột trong các “gia đình thu nhập kép”

Gia đình thu nhập kép, hay gọi là gia đình hai trụ cột, là gia đình có hai vợ chồng cùng làm việc ngoài xã hội. Sự suy giảm của số lượng hộ gia đình thu nhập đơn cũng đồng nghĩa đã chuyển sang gia tăng gia đình thu nhập kép. Từ năm 1997, số hộ gia đình thu nhập kép đã nhiều hơn số hộ gia đình thu nhập đơn. Chiều hướng tăng, giảm ở cả hai loại đã cho thấy ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và sự hồi phục không ổn định. Đến năm 2007, số lượng gia đình thu nhập kép đã vượt qua mức 10 triệu hộ và tiếp diễn đà tăng liên tục, đến năm 2020 đã lên đến 12,4 triệu hộ[8].

Trong gia đình thu nhập kép, không nhất thiết cả hai vợ chồng đều có thu nhập như nhau. Mô hình gia đình thu nhập kép thường được phân chia thành ba nhóm: (1) cả hai vợ chồng làm việc toàn thời gian, (2) người chồng làm toàn thời gian và người vợ làm bán thời gian và (3) người chồng làm bán thời gian và người vợ làm toàn thời gian. Nhóm hai vợ chồng làm việc toàn thời gian phổ biến ở những phụ nữ có trình độ cao đẳng trở lên. Đa số phụ nữ Nhật Bản đã có gia đình làm việc bán thời gian nên khả năng nhóm người chồng làm toàn thời gian và người vợ làm bán thời gian chiếm tỉ lệ cao hơn so với hai nhóm còn lại. Bên cạnh đó, nếu người chồng có thu nhập cao của công việc toàn thời gian thì người vợ có xu hướng lựa chọn làm bán thời gian. Dường như còn có nhóm gia đình thu nhập kép mà cả hai vợ chồng đều làm công việc bán thời gian.

Nếu so sánh cuộc sống sinh hoạt thì các gia đình thu nhập kép thường có nguồn tài chính ổn định và cao hơn, vì thế, nhiều cặp vợ chồng xác định cùng làm việc để có thể chi tiêu cho những sở thích cá nhân như đi du lịch, đầu tư học tập cho con cái, mua sắm… Trong gia đình thu nhập đơn từ người chồng, mức thu nhập của người chồng là yếu tố quyết định đáng kể đến việc chi tiêu cho việc mua sắm tài sản có giá trị lớn như mua nhà, mua xe… Cụ thể như việc mua nhà, gia đình có thể có khoản thế chấp để mua nhà có chất lượng tốt hay không phụ thuộc vào mức thu nhập của người chồng. Tuy nhiên, đối với các hộ gia đình có thu nhập kép, mức thu nhập của cả người chồng và người vợ đều mang tính quyết định về vị trí của hộ gia đình trong thị trường thế chấp và nhà ở. Các gia đình người chồng có thu nhập cao và người vợ đi làm toàn thời gian có nhiều khả năng có được nhà ở cao cấp về quy mô và thông số kỹ thuật, trong khi các gia đình cặp vợ chồng đều đi làm không thường xuyên thì khả năng mua nhà giá thấp, hoặc tiếp tục thuê nhà[9].

Các nhà nghiên cứu chính sách, xã hội của Nhật Bản cho rằng, trong bối cảnh Nhật Bản hiện nay, mô hình gia đình hai trụ cột hay mô hình các gia đình có thu nhập kép sẽ trở nên “lý tưởng” và hợp lí hơn. Họ kì vọng đến năm 2050 thì mô hình này sẽ trở nên phổ biến.

3. Nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi vai trò trụ cột gia đình ở Nhật Bản hiện nay

- Do khó khăn về kinh tế

Cuộc khủng hoảng trầm trọng và suy thoái kinh tế kéo dài từ đầu năm 1990 đã đẩy Nhật Bản đứng trước những khó khăn chồng chất. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng trước nguy cơ phá sản. Việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ hoặc thu hẹp và phải cạnh tranh gay gắt để tồn tại. Chính phủ phải tiến hành các biện pháp cải tổ mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế. Các công ty buộc phải cắt giảm nhân lực, dẫn đến việc sa thải nhân viên nhiều hơn. Tỉ lệ thất nghiệp cao chưa từng có ở Nhật Bản tồn tại trong suốt nửa sau những năm 1990 và tiếp tục tăng mạnh khi bước sang thế kỷ XXI mà phương tiện truyền thông Nhật Bản gọi là “Kỷ băng hà việc làm”, với mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 2002 là 5,36%[10]. Việc tìm kiếm việc làm cũng trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. Chế độ tuyển dụng lao động đã có những thay đổi căn bản. Hệ thống việc làm truyền thống với hình thức lao động suốt đời của nhân viên toàn thời gian đã dần bị suy giảm khi giới chủ buộc phải cắt bớt chi phí hoạt động. Thay thế vào đó là chiều hướng gia tăng các hình thức khác mang tính đa dạng hơn như lao động ngắn hạn, lao động bán thời gian, lao động tạm thời…, được gọi chung là lao động không chính thức. Một số lao động toàn thời gian cũng bị điều chuyển sang bán thời gian. Điều này dẫn đến việc người lao động mất đi sự cam kết bảo đảm vị trí việc làm như trước đây, mức thu nhập và phúc lợi giảm đi đáng kể. Họ rất dễ bị điều chuyển hoặc mất việc khi các công ty cắt giảm nhân lực. Sự biến chuyển nhanh chóng trong hệ thống việc làm đã ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp dân chúng, trong đó phải kể đến nam giới đã kết hôn. Thu nhập của người lao động đã bị giảm từ những năm cuối thế kỷ XX, kể cả công việc toàn thời gian. Việc trang trải các chi phí cuộc sống trở nên khó khăn hơn nhiều đối với hộ gia đình trung bình. Các loại hình tài sản như đất đai, nhà… bị mất giá trị khiến người dân hoang mang, lo sợ cho cuộc sống hiện tại và tương lai với nhiều bất ổn. Hơn nữa, những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế luôn có tác động nặng nề nhất đến những người có trình độ học vấn thấp nên đi kèm công việc vốn dĩ không chắc chắn là mức tiền lương ít ỏi. Khi việc làm thiếu ổn định và tiền lương của nam giới giảm, thu nhập của nam giới làm bán thời gian càng thấp hơn là nguyên nhân khuyến khích việc làm của phụ nữ. Khó khăn và rủi ro trong việc đảm trách nguồn tài chính cho gia đình nếu chỉ có người chồng đi làm ngày càng tăng. Các cặp vợ chồng phải thích nghi với những áp lực kinh tế mới, dẫn đến tình huống người vợ xem xét việc quay trở lại làm việc để hỗ trợ thu nhập cho gia đình. Điều này đã có tác động ở các mức độ khác nhau đến việc giải quyết bài toán tài chính trong giai đoạn khó khăn kinh tế của nhiều cặp vợ chồng như trang trải các khoản thiết yếu bằng thu nhập của người chồng và sử dụng thu nhập của người vợ cho các hoạt động giải trí, giáo dục và tiết kiệm. Tỉ lệ người lao động sử dụng chính sách khấu trừ thuế vợ chồng ở các gia đình người chồng có thu nhập cao nhiều hơn so với ở các cặp vợ chồng có thu nhập thấp hơn. Như vậy, sự biến động từ thu nhập của người chồng là căn nguyên dẫn đến việc gia tăng người vợ làm việc trong thị trường lao động.

Ý nghĩa của việc người vợ tham gia thị trường lao động cũng như trách nhiệm đóng góp cho ngân sách gia đình của người vợ đã có sự thay đổi theo hướng lâu dài. Kết quả cuộc khảo sát năm 2005 cho thấy, trong số khoảng 1/3 gia đình thu nhập kép có con cái mà cả hai vợ chồng làm việc toàn thời gian ngay sau khi tốt nghiệp, tỉ lệ người vợ ý thức về kế hoạch làm việc lâu dài là rất ít. Do vậy, khoảng thời gian gián đoạn công việc sau khi kết hôn, sinh con là khá dài. Đa số người chồng theo quan điểm coi việc người vợ đi làm là mang tính nhất thời. Ngoài ra, nhiều người chồng lại nhìn nhận hành vi làm việc ngoài xã hội của người vợ từ góc độ tinh thần, chú trọng ở sự thấu hiểu và chia sẻ trách nhiệm tài chính giữa hai vợ chồng chứ không quan tâm đến mức độ đóng góp.

Kết quả khảo sát vào năm 2016 đã cho thấy, mục đích làm việc của người vợ đã trở nên rõ ràng và gắn sát với vấn đề kinh tế của gia đình hơn, được đánh giá từ lợi ích tài chính là chủ yếu. Công việc mang lại thu nhập là cần thiết nên cho dù “không cảm thấy công việc của mình thú vị” hay “mệt mỏi vì môi trường làm việc” thì họ vẫn cân nhắc về thiệt hại nếu từ bỏ. Sự khác biệt trong suy nghĩ cũng như hành động sau hơn một thập kỷ đã phản ánh bước chuyển rõ rệt về mục tiêu và kế hoạch làm việc của nhiều người vợ. Thay vì làm việc ngắn hạn và thiếu định hướng thì họ đã xác lập kế hoạch gắn bó lâu dài với công việc và quan tâm đến thu nhập cho gia đình. Thêm vào đó, điều này đạt được sự thống nhất giữa hai vợ chồng, khi vấn đề cả hai cùng đi làm là cần thiết và lập kế hoạch cho cuộc sống dựa trên thu nhập kép “cùng nhau tạo nên sức mạnh cho gia đình”. Những khó khăn trong chi tiêu cuộc sống mà họ phải đối mặt trong hơn hai thập kỷ khủng hoảng đã làm cho nhu cầu về sự an toàn tài chính gia đình trở nên quan trọng. Đây là lý do mà tỉ lệ người vợ nghỉ sau sinh và nuôi dưỡng con thời gian ngắn hơn và duy trì công việc đã tăng hơn hẳn trong vài năm trở lại đây, góp phần giữ cho tỉ lệ gia đình thu nhập kép theo chiều hướng gia tăng.

Mặt khác, sự thay đổi về cơ cấu kinh tế Nhật Bản, khi mà xu hướng toàn cầu hóa đã thay đổi công nghiệp sản xuất trong nước, chuyển dịch từ công nghiệp chế tạo sang công nghiệp dịch vụ, các nhà máy được chuyển ra nước ngoài trong khi các công việc văn phòng và bán hàng tăng rõ rệt. Xã hội già hóa nhanh chóng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết tăng số lao động trong các ngành y tế và phúc lợi để chăm sóc người cao tuổi. Vì thế, các công việc phù hợp với nữ giới đã kết hôn cũng tăng lên. Trong mỗi gia đình, truyền thống lấy con cái làm trung tâm với sự dốc sức chăm lo nuôi dưỡng của cha mẹ là nguyên do để người mẹ tham gia làm việc ngoài xã hội. Các bậc cha mẹ có chung mong muốn tạo điều kiện và đầu tư cho con cái có được nền giáo dục cần thiết để cạnh tranh trong thị trường lao động. Chi phí cho giáo dục ở Nhật Bản rất tốn kém, nhất là ở bậc tiểu học, trường tư và học thêm. Khảo sát về mục đích làm việc của người mẹ, lý do kinh tế chiếm đến 52,1%, trong đó, tỉ lệ cao nhất là “học phí của con cái” là 18,8%, bên cạnh “chi phí cuộc sống gia đình” là 15,6%, “tiết kiệm” là 8,0%[11]. Thực tế cho thấy suy nghĩ về “chi phí rất nhiều cho nuôi dưỡng và học tập của con cái” chiếm tỉ lệ cao nhất trong các lý do về kinh tế qua khảo sát từ các cặp vợ chồng và phổ biến ở tất cả các lứa tuổi sinh sản, với mức trung bình lên đến 65,9% vào năm 2005 và 60,4% vào năm 2010. Vào năm 2015, tỉ lệ này là 56,3%, trong đó, ở nhóm tuổi dưới 30 là 76,5%, từ 30 đến 34 tuổi là 81,1%, từ 35 đến 39 tuổi là 64,9% và từ 40 đến 49 tuổi là 47,7%[12]. Nhiều người vợ lựa chọn làm việc để có thu nhập bù đắp gánh nặng tài chính cho giáo dục của con cái.

Như vậy, bối cảnh của những thay đổi sâu sắc về kinh tế - xã hội đã đặt ra nhu cầu hỗ trợ tài chính cho gia đình cùng người chồng và loại hình việc làm phù hợp với lao động nữ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng số phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, từ đó kéo theo hình ảnh gia đình cả hai vợ chồng cùng làm việc trở nên rõ rệt hơn nhiều. Tuy nhiên, đa số người vợ có xu hướng lựa chọn hoặc được tuyển dụng việc làm bán thời gian với mức lương thấp. Điều này đã lý giải cho việc nam giới là trụ cột chính trong gia đình vẫn còn rất phổ biến.

- Do những thay đổi trong chính sách về bình đẳng giới và cơ hội việc làm cho phụ nữ

Sau khi Nhật Bản ký Tuyên bố Liên Hợp Quốc về phụ nữ thì Luật Bình đẳng cơ hội việc làm được thông qua năm 1985 và đi vào thực thi năm 1986. Mục tiêu của bộ luật là các quy định về đối xử bình đẳng cho cả hai giới trong vấn đề việc làm. Bộ luật được hứa hẹn như một luồng gió mới mang lại những điều kiện thuận lợi chưa từng có, đưa đến các cơ hội cho phụ nữ làm việc ngoài xã hội. Lần đầu tiên vấn đề tham gia thị trường lao động của nữ giới được thể chế hóa về mặt pháp lý. Tỉ lệ nữ giới đi làm gia tăng nhanh chóng, trong đó chiếm tỉ lệ đáng kể là những người phụ nữ đã có gia đình và tập trung ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, vì là sự khởi đầu nên bộ luật đã bộc lộ những yếu điểm rõ rệt. Đó là, luật chưa đề cập đến những chế tài xử phạt khi doanh nghiệp hay cá nhân vi phạm, mà mới chỉ đưa ra các “yêu cầu” chứ không mang tính bắt buộc. Điều này đã đặt việc thực hiện những quy định của luật phụ thuộc vào “nỗ lực thiện chí” của các doanh nghiệp. Đặc biệt khi đa số giới chủ ở Nhật Bản vẫn mang nặng tư tưởng bảo thủ về vai trò giới trong gia đình và xã hội thì hiển nhiên là, Luật Bình đẳng cơ hội việc làm không thể thực sự xóa bỏ phân biệt đối xử dựa trên giới tính tại nơi làm việc. Giới chủ thường tỏ ra e ngại về sự gián đoạn của lộ trình làm việc phổ biến của phụ nữ đã có gia đình khi họ thực hiện nghĩa vụ làm vợ và thiên chức làm mẹ. Việc tuyển dụng luôn dành ưu tiên cho nam giới, đối với nữ giới là việc hạn chế cả về loại hình nghề nghiệp và công việc. Theo đó, phụ nữ đã có gia đình bị giới hạn nên khó nhận được việc làm toàn thời gian như người chồng.

Ngoài ra, vào năm 1993, Luật Lao động bán thời gian ra đời và được xem là căn cứ pháp lý chính thức đầu tiên cho loại hình công việc này. Luật đã xác định thời gian làm việc bán thời gian là dưới 35 giờ mỗi tuần, nhấn mạnh quy định và cải thiện việc kiểm soát công việc bán thời gian. Trong bối cảnh gia tăng nhanh chóng loại hình công việc bán thời gian từ năm 1990 ở Nhật Bản, trong đó đa số là phụ nữ đã có gia đình, bộ luật đã hỗ trợ người lao động bán thời gian thông qua các quy chuẩn cụ thể.

Như vậy, sau khủng hoảng của nền kinh tế “bong bóng” ở thập niên 1990, tại Nhật Bản công việc kinh doanh của nhiều công ty rơi vào trì trệ và dẫn đến phá sản, chế độ làm việc suốt đời bị phá vỡ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, công việc bấp bênh… đã tác động mạnh mẽ đến cơ cấu gia đình. Vai trò trụ cột gia đình đã được đa dạng hóa hơn, xu hướng dịch chuyển từ mô hình gia đình một trụ cột là nam giới, sang mô hình gia đình hai trụ cột có thu nhập gia đình từ cả người chồng và người vợ đang ngày càng tăng và được đánh giá là phù hợp với tình hình xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đối với một quốc gia còn có nhiều định kiến giới, hệ thống tiền lương, lương hưu, thuế, việc làm, văn hóa doanh nghiệp và hệ thống an sinh xã hội được xây dựng dựa trên nền tảng gia đình hạt nhân và được đánh giá là ưu việt của giai đoạn trước lại trở thành những rào cản cho giai đoạn hiện nay. Nhiều nam giới cảm thấy sức ép lớn khi đơn độc nắm giữ vai trò trụ cột, khiến cho họ lao vào công việc mà không chú ý đến sức khỏe và có ít cơ hội gần gũi với cuộc sống gia đình. Phụ nữ đã kết hôn tham gia làm việc ngoài xã hội bị ràng buộc bởi sự mặc định về trách nhiệm công việc ở gia đình, do vậy, đa số bị hạn chế trong loại hình công việc có mức thu nhập thấp và phụ thuộc ở mức độ nhất định vào người chồng về tài chính. Quá trình chuyển đổi vai trò trụ cột trong gia đình ở Nhật Bản hiện nay vẫn còn rất chậm chạp và đòi hỏi sự thay đổi từ các chính sách của chính phủ đến những quan niệm trong xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  斎藤修(2013), 男性稼ぎ主型モデルの歴史的起源, 本労働研究雑誌 (638) (Saito Osamu (2013), Nguồn gốc lịch sử của mẫu đàn ông trụ cột gia đình), https://www.jil.go.jp/ institute/zassi/backnumber/2013/09/pdf/004-016.pdf.

2.  木本喜美子(2017), 戦後日本における家事労働の位置を探る ―企業社会, 雇用労働との関連で― (Kimoto Kimiko (2017), Khám phá vị trí của lao động làm việc nhà ở Nhật Bản thời hậu chiến trong mối quan hệ với xã hội doanh nghiệp và lao động việc làm), http://jaffe.fem.jp/j/wp-content/uploads/2017/ 09/1-kimoto.pdf.

3.  江 釣 子 由 萌(2019). 家族と福祉 : 家族を重視した福祉 からの脱却. 早稲田大学文化構想学部現代人間論系ゼミ論文 (Ezuriko Yume (2019), Gia đình và phúc lợi: Từ phúc lợi hướng về gia đình, Đại học Waseda, Khoa Văn hóa, Truyền thông và Xã hội, Bộ môn Nghiên cứu con người đương đại), http://www.f.waseda. jp/k_okabe/semi-theses/1903yume_EZURIKO. pdf.

4.  Yuko Ogasawara (2020), “The Slow Decline of the Male-Breadwinner Family Model in Contemporary Japan and Its Ramifications for Men’s Lives”, Japan Labor Issues, Vol. 4, No. 20, https://www.jil.go.jp/english/jli/documents/ 2020/020-02.pdf.

  1. Junya Tsutsui (2016), “Female Labor Participation and the Sexual Division of Labor: A Consideration on the Persistent Male-Breadwinner Model”, Japan Labor Review, Vol 13, Number 3, https://www.jil.go.jp/english/ JLR/documents/2016/JLR51_tsutsui.pdf.

6.  Ofra Goldstein-Gidoni (2019), “Working fathers’ in Japan: Leading a change in gender relations?”, Tel Aviv University, Correspondence Funding Information Israel Science Foundation, Grant/Award Numbers: grant 252/14, https://people.socsci.tau.ac.il/ mu/ofragg/files/2019/09/Goldstein-Gidoni-2019-Gender_Work_Organi zation.pdf.



[1] Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] 江 釣 子 由 萌(2019). 家族と福祉 : 家族を重視した福祉 からの脱却. 早稲田大学文化構想学部現代人間論系ゼミ論文 (Ezuriko Yume (2019), Gia đình và phúc lợi: Từ phúc lợi hướng về gia đình, Đại học Waseda, Khoa Văn hóa, Truyền thông và Xã hội, Bộ môn Nghiên cứu con người đương đại), http://www.f.waseda.jp/kokabe/ semi-theses/1903yume_EZURIKO.pdf.

[3] Ezuriko Yume (2019), Tlđd.

[4] 厚生労働省(2020).共働き等世帯数の年次推移 (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội (2020), Biến động hàng năm về số hộ thu nhập kép), https://www.mhlw.go.jp/ stf/wp/hakusyo/kousei/19/backdata/02-01-01-03.html.

[6] Employment Status Survey, Tlđd.

[7] Employment Status Survey, Tlđd.

[8] 厚生労働省(2020),共働き等世帯数の年次推移 (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội (2020), Biến động hàng năm về số hộ thu nhập kép), https://www.mhlw.go. jp/stf/wp/hakusyo/kousei/19/backdata/02-01-01-03.html.

[9] Yosuke Hirayama (2021), “Housing, family, and life-course in post-growth Japan”, Japan Architecture Review, Vol. 4, No. 2, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/pdf/ 10.1002/2475-8876.12216.

[10] 世界の経済・統計情報サイト(2022), 日本の人口・就業者・失業率の推移 (Trang Thông tin thống kê kinh tế thế giới (2022), Biến động dân số, người lao động và tỉ lệ thất nghiệp của Nhật Bản), https://ecodb.net/ country/JP/imf_persons.html.

[11] MHLW, Annual Population and Social Security Survey, The 15th Japanese National Fertility Survey, 06/2015, Published 03/2017, http://www.ipss.go.jp/ps-doukou/e/ doukou15/Nfs15_gaiyoEng.html.

[12] MHLW, Annual Population and Social Security Survey, The 15th Japanese National Fertility Survey, Tldd.

0thảo luận