Trang chủ

Hệ thống biểu tượng trong tác phẩm manga Death note của Oba Tsugumi

Đăng ngày: 26-08-2024, 13:41 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 12

Trần Thị Thục1, Nguyễn Sỹ Hiếu2

Tóm tắt: Nghiên cứu biểu tượng trong văn học cũng chính là cách giải mã những thành tố văn hóa xuất hiện trong văn bản tác phẩm, giải mã những ý niệm sâu xa, trừu tượng mà tác giả gửi gắm thông qua tác phẩm của mình. Manga được hợp thành từ một số yếu tố như nghệ thuật hội họa truyền thống kết hợp với hội họa phương Tây, yếu tố văn học và nghệ thuật điện ảnh. Như vậy, ta hoàn toàn có thể tìm hiểu một tác phẩm manga thông qua cách tiếp cận yếu tố văn học, trong đó có nghiên cứu biểu tượng. Bài viết* của chúng tôi hướng tới việc giải mã những biểu tượng xuất hiện trong tác phẩm manga Death Note của Oba Tsugumi; đồng thời cung cấp một cách đọc mới, cách tiếp cận khác đối với loại hình văn hóa đại chúng nổi trội này.

Từ khóa: Manga, Death Note, Oba Tsugumi, biểu tượng

 

 

L

evis Strauss đã khẳng định: “Mọi nền văn hóa đều có thể xem như một tập hợp các hệ thống[1]biểu[2]tượng...” [3]. S. Freud thì cho rằng “biểu tượng diễn đạt một cách gián tiếp, bóng gió, và ít nhiều khó nhận ra, niềm ham muốn hay các xung đột. Biểu tượng là mối liên kết thống nhất nội dung rõ rệt của một hành vi, một tư tưởng, một lời nói với ý nghĩa tiềm ẩn của chúng...”[4]. Như vậy, có thể hiểu biểu tượng là thứ có thể gợi ra những liên tưởng, ý nghĩa khác ngoài ý nghĩa hiển ngôn. Theo đó, có thể xem biểu tượng trong văn học là những cảm xúc, tư tưởng của tác giả đã được “mã hóa” thành các hình ảnh cụ thể. Những hình ảnh ấy có chức năng tạo nghĩa, gợi ra những trường liên tưởng khác nhau cho người tiếp nhận tác phẩm. Việc nghiên cứu biểu tượng trong văn học nói riêng, trong các sáng tác nghệ thuật nói chung cũng chính là cách giải mã những thành tố văn hóa xuất hiện trong văn bản tác phẩm, giải mã những ý niệm sâu xa, trừu tượng mà tác giả gửi gắm thông qua tác phẩm của mình.

Ngành công nghiệp manga (漫画) - hay truyện tranh Nhật Bản - đã sớm nổi danh thế giới bởi tính độc nhất của thể loại này. Làn sóng văn hóa Tây phương ào ạt đổ bộ Nhật Bản cuối thế kỉ XIX đã mang tới những luồng gió mới cho văn hóa Nhật Bản, trong đó có Manga. Các mangaka (漫画家) - tác giả truyện tranh - nhờ vào truyện tranh phương Tây cùng với sự tìm tòi, khám phá mà có những thể nghiệm mới trong sáng tác. Manga từ những câu chuyện 4 khung đơn giản đã dần phát triển đến đỉnh cao trong phương thức thể hiện. Khi xác định những yếu tố cấu thành manga, có nhà nghiên cứu cho rằng manga được hợp thành từ một số yếu tố như nghệ thuật hội họa truyền thống kết hợp với hội họa phương Tây, yếu tố văn học và nghệ thuật điện ảnh[5]. Theo đó, ta hoàn toàn có thể tìm hiểu một tác phẩm manga thông qua cách tiếp cận yếu tố văn học, trong đó có nghiên cứu biểu tượng.

Bài viết của chúng tôi tiếp cận tác phẩm Manga Death Note từ hướng nghiên cứu biểu tượng. Qua đó, bài viết hướng tới việc giải mã ý nghĩa của những biểu tượng xuất hiện trong tác phẩm; đồng thời cung cấp một cách đọc mới, cách tiếp cận khác đối với loại hình văn hóa đại chúng nổi trội này.

  1. 1. Oba Tsugumi và tác phẩm Death Note

Mỗi tác phẩm manga đều được xem là kết tinh của trí tuệ và nhân sinh quan của các mangaka sáng tạo ra nó. Mangaka ở Nhật rất được coi trọng và danh tiếng của tác giả tỉ lệ thuận với độ nổi tiếng của tác phẩm. Họ được giới truyền thông và mọi người xung quanh gọi là “sensei” (先生 - tiên sinh - từ thường dùng để gọi những người có địa vị với ý tôn kính). Các mangaka có một lượng người hâm mộ hùng hậu, nổi tiếng tương đương các ngôi sao điện ảnh và âm nhạc. Vì vậy, nhiều họa sĩ chỉ dùng bút danh khi sáng tác, danh tính và đời tư tác giả được bảo mật rất kĩ. Các mangaka thường chỉ gửi bản thảo tác phẩm của mình đến nhà xuất bản và trao đổi với biên tập viên phụ trách bộ truyện. Oba Tsugumi cũng vậy, thông tin của ông trên các diễn đàn mạng xã hội cũng như các bài báo, sách vở vô cùng ít. Thực chất cái tên Oba Tsugumi cũng chỉ là bút danh.

Oba Tsugumi được biết tới như một trong những tác giả truyện tranh nổi bật cũng như bí ấn nhất của tạp chí Weekly Shonen Jump[6]. Ngay từ nhỏ ông đã là một người đam mê và đọc rất nhiều truyện tranh, bị ảnh hưởng và hấp dẫn bởi những sáng tác của các họa sĩ truyện tranh như Shotaro Ishinomori, Fujio Fujiko, Fujio Akatsuka. Theo gợi ý của bạn bè, ông đã có định hướng trở thành họa sĩ truyện tranh năm 18 tuổi. Từ khi ra mắt vào năm 2003 đến nay, ông mới hoàn thành ba bộ truyện lớn và một vài one-shot (truyện kết thúc trong một chương), gồm: one-shot Death Note (デスノート) (2003), Death Note (デスノート) (2003 - 2006), one-shot The C-Kira Story (Cキラ編) (2008), Bakuman (バクマン) (2008-2012), Platinum End (プラチナエンド) (2015-2019) và one-shot hậu truyện của Death Note có tên The a-Kira Story (aキラ編) (2020). Tất cả đều được minh họa bởi Obata Takeshi[7]. Nhìn chung, tác phẩm nổi tiếng nhất và tạo tiền đề cho các sáng tác sau này của Oba Tsugumi vẫn là Death Note.

Năm 2003, Oba Tsugumi ra mắt lần đầu với one-shot Death Note (tiền đề cho manga dài kì Death Note sau này) đăng trên tạp chí Weekly Shonen Jump. Vào tháng 12 cùng năm, ông bắt đầu triển khai bộ manga Death Note và cũng đăng trên tạp chí Weekly Shonen Jump. Bộ truyện kéo dài 108 chương và kết thúc vào tháng 5 năm 2006. Tuy là tác phẩm đầu tay của một tác giả mới xuất hiện, nhưng Death Note đã tạo nên một tiếng vang lớn ở cả trong và ngoài Nhật Bản. Bộ truyện đã đạt doanh thu hơn 30 triệu bản in, đồng thời được đề cử cũng như đạt được hàng loạt giải thưởng manga ở cả trong và ngoài nước. Nhờ sự thành công vang dội của bộ truyện, các diễn đàn mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các chủ đề xoay quanh các nhân vật, ý nghĩa của tác phẩm. Death Note cũng nhanh chóng được khai thác trên nhiều phương diện như: Anime series; một số live-action, movie; trò chơi điện tử; tiểu thuyết…

Death Note không chỉ là câu chuyện trinh thám giả tưởng về một thế giới nơi có thần linh tồn tại và ban phát quyền lực cho con người, mà nó còn là câu chuyện về căn tính cá nhân, về hành trình kiếm tìm bản thân của con người khi đứng trước quyền lực. Đồng thời, thông qua motif nghệ thuật ấy, Death Note còn gợi ra những chất vấn về nhân tính, đạo đức và căn tính cá nhân trong quan hệ với quyền lực. Những thông điệp, ý niệm sâu xa đó phần nào được truyền tải một cách “ý tại ngôn ngoại” thông qua hệ thống biểu tượng mà tác giả Oba vừa vay mượn, vừa sáng tạo nên trong tác phẩm của mình.

  1. 2. Biểu tượng: khả thể mới trong nghiên cứu manga

“Biểu tượng” (symbol) là một thuật ngữ quen thuộc trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống học thuật. Theo Từ điển Tiếng Việt, “biểu tượng” là “hình ảnh tượng trưng”; “hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt”[8]. Như vậy, biểu tượng có thể được hiểu là những hình ảnh tạo ra những lớp nghĩa trừu tượng khi ta đặt hình ảnh đó vào trong hệ thống tác phẩm, soi chúng vào những hệ quy chiếu của các nền văn hóa, xã hội khác nhau; để từ đó đưa ra những kiến giải, những ý nghĩa nằm ngoài mặt biểu đạt xuất hiện trong văn bản. Nói cách khác là mở ra cánh cửa “đưa ta ra bên ngoài chính nó đến một ý nghĩa còn nằm ở tận ngoài kia, không thể nắm bắt, được dự cảm một cách mơ hồ, và không có từ nào trong ngôn ngữ của chúng ta có thể diễn đạt thỏa đáng”[9]. Theo đó, cấu trúc của biểu tượng (cũng giống với cấu trúc của một kí hiệu) gồm “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt”, hay nói cách khác là “biểu hình” và “biểu ý”. “Biểu hình” có thể hiểu là những cảm xúc, ý niệm, tư tưởng của tác giả đã được “mã hóa” thành các hình ảnh cụ thể. Còn “biểu ý” là nội dung, ý nghĩa được biểu đạt qua “biểu hình”. Nhờ những “biểu hình” mà người đọc như có được “chiếc chìa khóa” để mở ra cánh cửa dẫn tới thế giới các ý niệm của “biểu ý”, thâm nhập sâu vào những lớp nghĩa sâu xa của tác phẩm, những “sự ứ tràn của nội dung ra ngoài cái biểu đạt của nó” hay “chỉ một cái biểu đạt giúp ta nhận thức ra nhiều cái được biểu đạt; hoặc đơn giản hơn, cái được biểu đạt dồi dào hơn cái biểu đạt”[10].

Manga, xét cho cùng, là tranh vẽ, là sự thể hiện một câu chuyện thông qua các cảnh được vẽ ra. Bởi vậy, hình ảnh là yếu tố then chốt của việc kể chuyện trong manga. Nhờ hình ảnh, câu chuyện được kể trở nên sống động, thu hút và dễ tiếp nhận hơn cho độc giả. Bên cạnh đó, kết hợp với hình ảnh, yếu tố câu chuyện, cốt truyện cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong một tác phẩm manga. Sức sống của một tác phẩm Manga có được là hoàn toàn nhờ vào việc câu chuyện được kể có tìm được sự đồng cảm, đón nhận từ phía độc giả hay không. Trong Manga, hai yếu tố hình ảnh và nội dung kết hợp với nhau tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Câu chuyện được kể như thế nào, hiện lên ra sao là nhờ vào sức mạnh của hình ảnh. Ngược lại, muốn hiểu được trọn vẹn một tác phẩm manga, người đọc cũng không thể không có những kiến giải về các hình ảnh xuất hiện trong truyện.

Nhìn chung, nghiên cứu biểu tượng là một hướng đi đầy tiềm năng trong việc tiếp cận một tác phẩm manga từ góc độ nghệ thuật học nói chung, văn học nói riêng. Để chứng minh cho nhận định trên, trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích hệ thống biểu tượng xuất hiện trong tác phẩm manga Death Note trong việc làm nổi bật vấn đề về quyền lực xuất hiện trong tác phẩm.

  1. 3. Hệ thống biểu tượng trong Death Note

3.1. Sổ tử thần - hiện thân của quyền lực

Death Note là câu chuyện xoay quanh những cái chết. Thần linh trong thế giới ám mùi tử khí đó không ai khác ngoài Shinigami (死神 - tử thần). Các tử thần nắm trong tay thứ quyền lực đáng sợ nhưng đầy lôi cuốn: thao túng cái chết. Quyền lực ấy được “vật chất hóa” thành sổ tử thần, thứ cho phép người sở hữu giết người mình biết mặt bằng cách ghi tên của người đó vào sổ: “Người bị ghi tên vào cuốn sổ này sẽ chết... Trong vòng 40 giây sau khi viết tên (tính theo thời gian ở thế giới loài người), nếu ghi thêm nguyên nhân tử vong, đối tượng sẽ ra đi đúng như vậy. Còn nếu không ghi nguyên nhân, đối tượng sẽ chết vì trụy tim. Sau khi viết nguyên nhân tử vong, người sử dụng có thêm 6 phút 40 giây để bổ sung chi tiết về cái chết của đối tượng”[11]. Tử thần Ryuk đã cố tình đánh rơi cuốn sổ tử thần xuống nhân giới. Ryuk đã đem quyền lực xuống thế giới loài người theo cách đó. Bởi sự cố tình đó, Yagami Raito (nhân vật trung tâm của bộ truyện) đã nhặt được cuốn sổ, nói cách khác là có trong tay quyền lực. Nhờ cuốn sổ, Raito hạ quyết tâm dấn thân vào cuộc hành trình kiến tạo công lý của riêng mình với ước muốn lớn nhất là trở thành vị thần cai trị thế giới mới do cậu tạo ra. Đó là thế giới không còn cái xấu, con người được chung sống trong hòa bình. Để hiện thực hóa lý tưởng đó, Raito dùng quyền lực mà cuốn sổ tử thần mang lại để phán quyết tội phạm, gây ra hàng loạt những cái chết trụy tim không rõ nguồn gốc trên toàn thế giới. Cũng nhờ cuốn sổ, cậu thành công trong việc kiểm soát, cấm đoán và bắt buộc người khác phải làm theo ý mình. Nói cách khác, Raito đã dùng cuốn sổ tử thần để can thiệp vào những tương tác xã hội với các cá nhân khác nhằm tạo lợi thế cho bản thân và từng bước áp đặt một luật lệ ngầm lên toàn nhân loại: chống lại cậu thì sẽ phải chết. Cả thế giới dần khiếp sợ thứ quyền lực, thứ luật lệ vô hình đang bao trùm và đe dọa toàn nhân loại của Raito.

Ngoài Raito, Amane Misa cũng là người sở hữu sổ tử thần, sở hữu quyền lực thao túng cái chết ấy. Nhưng không giống với Raito vô tình “nhặt được” quyền lực, Misa được tử thần Rem chủ ý trao cho. Thậm chí quyền lực của Misa còn đứng trên Raito một bậc. Bởi cô đã thực hiện giao kèo cổ xưa giữa người sở hữu cuốn sổ và tử thần, đó là trao đổi một nửa tuổi thọ để đổi lấy mắt tử thần. Với đôi mắt này, Misa chỉ cần nhìn mặt là sẽ biết tên và tuổi thọ người đối diện. Chưa bao giờ con người phải sống trong trạng thái lo sợ nếu để lộ nhân dạng, hình ảnh cá nhân đến vậy.

Trong quan niệm của Đạo giáo và Phật giáo, nơi âm phủ có vị Phán Quan chuyên trông coi sổ sách và giúp Diêm Vương xử án. Cuốn sổ của ông được gọi là sổ sinh tử, dùng để ghi chép tuổi thọ con người. Còn trong Death Note, sổ sinh tử của Phán Quan như được “cải biên” thành sổ tử thần - thứ dùng để tước đoạt mạng sống của con người. Cuốn sổ tử (hay quyền lực) này không còn dùng để ghi chép thông thường như của vị quan lo chuyện giấy tờ nơi âm giới, mà gắn với hình ảnh tử thần và được dùng như vật để thực hiện việc trao quyền. Sổ tử thần không chỉ là mối dây liên kết giữa con người với tử thần, là “bản cam kết” của hai bên: “Cuốn sổ tử thần là mối dây gắn kết giữa con người (Yagami Raito) và tử thần (Ryuk)”[12], nó còn là vật dùng để thực thi quyền lực của cả người trao quyền lẫn người tiếp nhận. Tuy nhiên quyền lực đó bị kiểm soát bởi một số luật nhất định. Có tất cả 12 luật cơ bản được tử thần Ryuk ghi bằng tiếng Anh trong cuốn sổ, ngoài ra còn có hơn 100 điều luật bất thành văn về việc giết người, quyền sở hữu, trao đổi mắt với tử thần, quy định dành cho tử thần. Các luật này không phải là bất biến mà có thể được Tử thần đại vương (người cai quản thế giới tử thần) sửa đổi. Cũng chính các điều luật này là cơ sở cho Raito vận dụng và thiết lập hệ thống các luật lệ ngầm để thao túng toàn nhân loại nhằm củng cố quyền lực của bản thân.

Cuốn sổ tử thần với cái tên “Death Note” không gì khác chính là biểu tượng cho sự hiện thân của quyền lực, cho các thiết chế, hệ thống kỉ luật ngầm đang áp đặt quyền lực đối với con người. Khi tham gia vào hoạt động sống, con người luôn dè chừng và sợ hãi những thứ ngầm ẩn quy định hành động của mình. Những thứ ấy chính là hiện thân của quyền lực, của những luật lệ khiến con người cảm thấy mình phải nghe theo. Và, kẻ thành công kiến tạo luật lệ chính là kẻ có trong tay quyền lực.

3.2. Mắt tử thần - khi quyền lực thăng hoa

Đôi mắt, trong nhiều nền văn hóa khác nhau, được coi là hiện thân của mặt trời, sự khai sáng, tri giác và trí tuệ[13]. Trong tín ngưỡng dân gian của người Nhật, “mắt” là thứ gắn với thần Izanagi, gắn với truyền thuyết khai thiên lập địa của người dân nơi đây. Theo Cổ sự kí, từ mắt phải của thần Izanami sinh ra nữ thần Mặt trời Amaterasu, mắt trái sinh ra thần Mặt trăng Tsukigumo. Bên cạnh những ý nghĩa “tốt” đó, trong đạo Hồi, “con mắt xấu” là hình ảnh tượng trưng cho việc có khả năng tác hại tới một người hoặc một vật nào đó. Người ta cho rằng “con mắt xấu” gây ra cái chết cho một nửa nhân loại, làm cho nhà cửa trống vắng, còn mồ huyệt thì đầy người[14]. Như vậy, “mắt” vừa là biểu tượng cho sự khai sáng, thông thái, trí tuệ và hiểu biết; vừa là biểu tượng cho sự chết chóc và cái ác.

Trong Death Note, nếu “sổ tử thần” là biểu tượng cho sự hiện thân của quyền lực, của các thiết chế, hệ thống kỉ luật ngầm đang áp đặt quyền lực đối với con người, thì “mắt tử thần” chính là biểu tượng cho sự thăng hoa, thống trị tuyệt đối của quyền lực với con người. Bởi khi sở hữu cuốn sổ, người sở hữu còn có thể thực hiện một giao kèo phụ với tử thần, đó là đổi một nửa tuổi thọ để lấy mắt tử thần - thứ cho phép người sở hữu chỉ cần nhìn mặt là biết tên và tuổi thọ của đối phương: “Đó là vì con mắt tử thần của chúng ta chỉ cần nhìn một người, là sẽ thấy ngay tên và tuổi thọ kẻ đó hiện trên khuôn mặt”; “Riêng với con người nhặt được quyển sổ do mình đánh rơi, tử thần có thể thực hiện một giao kèo từ xa xưa truyền lại, để biến con mắt của kẻ đó thành ‘con mắt tử thần’. Cái giá để có con mắt tử thần là một nửa tuổi thọ còn lại của con người đó”[15].

Đứng trước đôi mắt ấy, mọi nỗ lực chống trả của con người đối với quyền lực được thiết lập nhờ sổ tử thần là vô vọng. Có thể nói, mắt tử thần vừa ban cho người sở hữu sự thông thái, biết tuốt; vừa đem lại sự sợ hãi và cái chết cho người khác. Amane Misa là người đã hai lần đánh đổi một nửa tuổi thọ của mình để lấy mắt tử thần, cốt để được trở thành “đôi mắt” của Raito, để được ở bên cạnh Raito. Nhờ sự mù quáng của Misa, quyền lực trong tay Raito càng được củng cố. Từ việc cần biết cả mặt và tên của đối phương, nay Raito chỉ cần một bức ảnh cũng có thể giết người. Luật lệ ngầm mà Raito thiết lập trước đó nay càng được củng cố khi có Misa về phe cậu. Quyền lực của Raito nhờ “đôi mắt” cậu có được từ Misa mà tiến thêm một bậc. Đối với quyền lực mà Raito có được từ sổ tử thần, con người vẫn có thể chống lại bằng cách che giấu danh tính hoặc nhân dạng. Còn với quyền lực Raito có được từ đôi mắt của Misa, con người để lộ mặt đồng nghĩa với tự treo cho mình một bản án tử chờ ngày thực thi. Có thể nói, nếu không có đôi mắt của Misa, quyền lực của Raito chỉ dừng lại ở mức “đe dọa” chứ không thể tiến tới mức “thống trị” khiến toàn thế giới quy phục.

Như vậy, “mắt tử thần” chính là hình ảnh biểu tượng cho sự thăng hoa của quyền lực. Đôi mắt ấy vừa tượng trưng cho sự thông thái, hiểu biết; đồng thời cũng tượng trưng cho sự giám sát tối cao của quyền lực, đem lại cho con người cảm giác “đang bị nhìn”. Trước đôi mắt ấy, mọi nỗ lực của việc chống trả, bất tuân với các luật lệ do kẻ nắm trong tay quyền lực thiết lập nên là vô vọng. Con người hoặc tuân theo, khuôn mình vào những luật lệ ấy hoặc chỉ có cái chết đang chờ đón bất cứ lúc nào trước sự thống trị ấy.

3.3. Đôi cánh - khao khát của tự do và sự vượt thoát

“Cánh” cũng là một biểu tượng phổ biến, xuất hiện trong nhiều nền văn hóa. Cánh trước hết được biết tới như là hiện thân của sự bay bổng, sự giải phóng tâm hồn hay tinh thần để chuyển vào một thể xác tinh nhẹ hơn; ngoài ra, cánh còn là biểu tượng mang tính “thiêng” khi được gắn với các hình ảnh như thiên thần hay Chúa, do đó, cánh mang nét nghĩa cho sự cất mình lên một cõi cao siêu, sự giải phóng và vinh quang[16]. Chính vì được gắn với những cõi siêu hình như vậy, có thể xem đôi cánh như là biểu tượng cho sự tự do và vượt thoát của con người.

Raito dùng sổ tử thần với mục đích trở thành vị thần cai trị thế giới mới do cậu tạo ra, nơi không còn sự bất công và con người được sống trong sự bình đẳng: “Trong lúc cơn trụy tim giết chết những kẻ xấu xa mà hiển nhiên phải chịu tội, những kẻ vô đạo đức, nhũng nhiễu người khác cũng sẽ dần biến mất vì bệnh tật hay tai nạn giao thông...  Rồi tôi sẽ tạo ra một thế giới chỉ toàn những con người lương thiện, hiền lành, được chính tôi chấp nhận”; “Và tôi sẽ trở thành một vị thần của thế giới mới!”[17]. Bản thân Raito là một người rất yêu công lý, cậu còn là con trai của Cục trưởng Cục cảnh sát, nhưng ngày ngày Raito phải sống và trông thấy những thứ xấu xa, những tội ác hiển hiện xung quanh. Vì lẽ đó, trong Raito luôn khao khát một điều gì đó thiêng liêng và cao cả, vượt thoát khỏi cái xã hội mà cậu đang sống. Để rồi, khi có trong tay sổ tử thần, dù là Raito được tử thần Ryuk gợi ý thực hiện giao kèo đổi mắt tử thần vì điều này rất có lợi cho Raito trong mọi mặt, nhưng, Raito lại tỏ ra thất vọng và xem đó là một giao kèo vô nghĩa. Thứ duy nhất cậu khao khát đó chính là một đôi cánh để có thể tự do bay trên bầu trời: “Đổi một nửa tuổi thọ còn lại để lấy con mắt tử thần ư... Chỉ cần nhìn mặt là biết ngay tên người. Hay đấy con mắt tiện lợi thật. Ryuk, giao kèo này thật vớ vẩn”[18]; “Nếu ông cho đôi cánh chứ không phải con mắt, thì có khi tôi đã nghiêm túc xem xét rồi. ‘Tự do bay lượn trên trời với đôi cánh trên lưng’, thần thánh phải vậy chứ. Đấy cũng là giấc mơ của nhân loại từ xa xưa”[19]. Ngoài ra, cánh còn là hình ảnh xuất hiện xuyên suốt tác phẩm và hiện lên cùng với các hình ảnh khác như chúa, thiên thần, tử thần trong các trang chuyển chương.

Trong suy nghĩ của Raito, có được đôi cánh cũng chính là một bước tiến để cậu có thể trở thành thần, có được tự do. Có thể coi đôi cánh chính là biểu tượng cho sự vượt thoát cả về mặt sinh học lẫn hoàn cảnh sống để vượt lên trên “con người”, để chạm tới sự hóa thân thành “thần” của Raito. Nhưng đó là điều bất khả, đôi cánh mãi chỉ là khao khát, là hình ảnh mà Raito ngưỡng vọng chứ không thể đạt được. Mặt khác, sổ tử thần dễ dàng cho người sở hữu thực hiện giao kèo phụ để việc giết người diễn ra một cách thuận lợi nhất. Thế nhưng, việc đòi hỏi một đôi cánh lại là điều không thể, dẫu đôi cánh cũng là một bộ phận của tử thần (giống như mắt tử thần). Có thể nói, khi vướng vào quyền lực, con người chỉ có thể tiếp tục dấn thân vào những hiểm nguy, tiếp tục sa ngã chứ không thể quay đầu, không thể có khát khao về một “đôi cánh” để bay lên, vượt thoát khỏi thứ quyền lực mà bản thân đang vướng vào. Khi tham gia vào những “trò chơi vương quyền”, con người chỉ có một cái kết duy nhất, đó chính là tha hóa quyền lực. Sự tự do chỉ còn là viển vông, huyễn tưởng.

3.4. Tên gọi (danh tính) và gương mặt (nhân dạng) - một phần căn tính cá nhân bị quyền lực thủ tiêu

Theo Từ điển văn hóa thế giới, tên gọi và hình dạng là tinh túy và bản chất của sự thể hiện cá nhân, có tác dụng như là tạo nên hay thay mặt cho một đồ vật hay sinh vật. “Cái tên còn được xem như một dấu hiệu của căn cước, là khía cạnh cốt yếu của một người. Mặt khác, cái tên còn đại diện cho sự chế ngự, biết tên hay gọi nó lên một cách chính xác, như thế là có được sức mạnh chế ngự người hoặc vật đó”[20]. Còn gương mặt được coi là “cái thay thế cho toàn bộ một con người”[21]. Như vậy, có thể coi cái tên (danh tính) hay gương mặt (nhân dạng) như là định nghĩa vắn tắt cho cuộc đời một con người, là hai thứ đầu tiên một cá nhân dùng để thể hiện căn tính của bản thân. Trong Death Note, danh tính và nhân dạng lại là thứ đem lại sự lo sợ và cái chết cho con người.

Quyền lực từ sổ tử thần cho phép kẻ nắm quyền giết người khác nhưng với hai điều kiện là biết mặt và biết tên người đó: “Người bị ghi tên vào cuốn sổ này sẽ chết. Cuốn sổ chỉ có tác dụng nếu người viết biết mặt đối tượng định ghi vào. Bởi vậy người trùng tên sẽ không bị ảnh hưởng”[22]. Dưới sự áp đặt của luật lệ này, con người phải tìm mọi cách để che giấu danh tính bản thân. Con người không được sống với tên thật của mình mà phải dùng tên giả, phải ngụy tạo danh tính và lừa lọc lẫn nhau. Những kẻ nằm dưới sự áp đặt của quyền lực, muốn tồn tại trong thế giới bị bóp nghẹt bởi quyền lực đó, chỉ có thể hoặc quy phục hoặc khoác lên mình một danh tính khác và trốn chạy, sống trong lo sợ suốt đời: “Vì Kira cần tên để giết người, nên tên giả sẽ là lá chắn hữu hiệu bảo vệ tính mạng chúng ta”[23]. Ngoài ra, không chỉ những người nằm dưới áp đặt quyền lực bị thủ tiêu danh tính mà ngay cả kẻ nắm trong tay quyền lực cũng chịu chung số phận ấy. Khi dùng sổ tử thần, kẻ dùng sổ cũng phải che giấu danh tính bản thân để không bị ai phát hiện. Thêm nữa, những kẻ dùng sổ được gọi bằng một danh tính chung là “Kira” chứ không thể chính danh, không dám dùng danh tính cá nhân khi sử dụng quyền lực.

Điều kiện thứ hai để giết người bằng sổ tử thần là biết mặt người đó. Dù con người có giỏi che giấu danh tính đến đâu thì để lộ nhân dạng cũng đã là tự đeo cho mình một bản án tử.  Như đã trình bày trong mục 2.2, mắt tử thần cho phép người sở hữu biết tên và tuổi thọ của bất kì ai mà mình biết mặt. Tuy nhân dạng và danh tính là hai thứ gắn liền với một cá nhân, là hai yếu tố đầu tiên để xác lập căn tính của cá nhân, nhưng đó cũng là lại thứ bắt họ phải khuôn mình vào những luật lệ mà kẻ nắm quyền đặt ra. Cá nhân ngoài ngụy tạo danh tính thì còn phải khoác lên mình một chiếc mặt nạ theo nghĩa đen, phải che chắn, phải khoác lên mình một nhân dạng khác: “Tất cả chú ý, tuyệt đối không hé một khe hở nào. Không để lộ mặt!”[24]; “Chiếc mặt nạ này là để đề phòng thôi”[25].

Có thể thấy, quyền lực đã thủ tiêu căn tính cá nhân bằng cách thủ tiêu danh tính và nhân dạng. Nó bắt cá nhân sống với danh tính giả, một danh tính khác với danh tính gốc vốn có. Cá nhân lúc này được nhìn nhận và biết tới bằng những đặc tính của danh tính giả đó chứ không phải bằng danh tính gốc của mình. Cá nhân muốn tồn tại trong những thiết chế quyền lực thì buộc phải khuôn mình vào những luật lệ của thiết chế đó. Rất khó để cá nhân có thể sống với căn tính của bản thân khi nằm dưới sự kiểm soát của quyền lực, thay vào đó, cá nhân phải khoác lên mình những căn tính khác để có thể tồn tại. Nếu không, cá nhân tất yếu bị bài xích, loại trừ khỏi khuôn khổ nơi quyền lực đã được xác lập thành những thiết chế và sự thống trị.

3.5. Trái táo - khi trí tuệ lụi bại trước quyền lực

Hình ảnh trái táo vốn mang nhiều sức gợi và sự liên tưởng. Ở một nét nghĩa phổ biến nhất, khi nhắc tới táo là người ta nhắc tới “trái trí tuệ” hay “trái cấm”. Táo là loại quả đã xuất hiện từ thời cổ đại, đó là “quả táo bất hòa” mà chàng Paris trao cho nữ thần Aphrodite, “quả táo vàng” trong khu vườn của các nàng Hespérides, quả táo mà Adam và Eva ăn… được coi như là một phương tiện để hiểu biết, để nhận biết thiện và ác, sự bất tử hoặc sa ngã; còn trong các truyền thuyết của người Celtes, táo là thứ quả của tri thức, ma thuật và thiên khải[26].

Trong Death Note, hình ảnh táo xuất hiện xuyên suốt từ đầu tới cuối tác phẩm và luôn được gắn với tử thần Ryuk với hành động “ăn” một cách ngấu nghiến. Thậm chí, táo còn trở thành một nhu cầu thiết yếu của tử thần này. Không có táo, tử thần Ryuk sẽ lên cơn nghiện khiến tay chân xoắn lại với nhau: “Đối với ta, táo giống như là... Ừm, nói sao nhỉ... như là rượu hay thuốc lá đối với con người ấy. Thiếu nó lâu ta sẽ “lên cơn”...”; “cơ thể sẽ xoắn vẹo đủ kiểu... hoặc là lộn ngược, trông cây chuối...”[27]. Bên cạnh đó, táo cũng gắn với hành động “đưa” táo cho tử thần của nhân vật Raito. Hành động ấy cũng giống như việc Raito đang dâng hiến một cách tự nguyện “trí tuệ” của bản thân cho tử thần (hay quyền lực) vậy. Ngoài ra, táo còn trở thành vật phẩm để Raito mua chuộc Ryuk hợp tác với mình nhằm qua mắt sự giám sát của L và tổ điều tra: “Giờ nếu muốn ăn, thì ông phải kiểm tra xem trong nhà có gắn camera không và gắn ở những chỗ nào”[28].

Như vậy, đặt trong tương tác “trao” và “nhận”, hình ảnh táo như là một biểu tượng cho sự lụi bại của trí tuệ khi Raito khi đứng trước quyền lực. Raito dâng táo một cách tự nguyện cho tử thần Ryuk (kẻ đại diện cho quyền lực) cũng giống như cách cậu đã dần đánh mất trí tuệ, đánh mất lí tính khi đứng trước quyền lực (những diễn biến tiếp theo của truyện là mình chứng rõ nhất). Còn tử thần Ryuk khi không có táo thì lên cơn nghiện, nói cách khác, là quyền lực luôn khao khát “đè bẹp” trí tuệ. Ngoài ra, đặt hình ảnh táo trong diễn biến câu chuyện, có thể thấy táo còn như là một điềm báo cho sự tha hóa quyền lực của nhân vật Raito.

  1. 4. Tạm kết

Bởi sự thành công vượt trội của manga Death Note, các phiên bản chuyển thể tác phẩm thành phim hoạt hình (anime) và phim truyền hình tại Nhật Bản cũng đã được sản xuất và tiếp tục tạo ra những thành công vang dội, thu hút đông đảo người xem trong và ngoài nước Nhật Bản.

Trong đời sống học thuật, manga đã được soi chiếu dưới nhiều góc độ khác nhau, trong đó có hướng nghiên cứu từ cách tiếp cận nghệ thuật. Theo đó, hoàn toàn có thể tìm hiểu một tác phẩm manga từ hướng tiếp cận nghiên cứu biểu tượng. Đây là một hướng tiếp cận mới, một cách đọc khác đầy tiềm năng và khả quan trong việc tiếp cận một tác phẩm manga từ góc độ nghệ thuật học nói chung, văn học nói riêng. Đây cũng là hướng tiếp cận hứa hẹn sẽ mang tới những kiến giải thú vị về sản phẩm của nền văn hóa đại chúng nổi trội này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (Nhiều người dịch), Nxb Đà Nẵng.
  2. Albert Doja (2016), “Đôi vai của những người khổng lồ: Claude Levi-Strauss và di sản của ông trong nhân học đương đại” (Nguyễn Văn Sửu dịch), https://discovery.ucl.ac.uk/id/ eprint/16627/1/16627.pdf, truy cập lần cuối ngày 14/7/2022.
  3. Hoàng Phê (Chủ biên) (2003), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
  4. Hạ Thị Lan Phi (2004), “Vài nét về Manga Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6, tr. 32-41.
  5. Oba Tsugumi (2019), Death Note (tập 1, tập 2, tập 3, tập 12), IPM và Nxb Hà Nội.
  6. Oba Tsugumi, Obata Takeshi (2019), Death Note How to Read 13, IPM và Nxb Hà Nội.
  7. Misaki C. Kido (2012), “Interview: Tsugumi Ohba”, SJ Alpha, https://www.viz. com/blog/posts/interview-tsugumi-ohba-691, truy cập lần cuối ngày 14/7/2022.


[1] TS., Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

* Nghiên cứu này được thực hiện bởi nguồn kinh phí từ Đề tài khoa học cơ bản của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[3] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr. 23.

[4] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Sđd, tr. 24.

[5] Hạ Thị Lan Phi (2004), “Vài nét về Manga Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6, tr. 32-41.

[6] Ở Nhật Bản, manga được phát hành theo hình thức đăng trên tạp chí xuất bản hàng tuần. Mỗi tuần đăng một chapter (chương truyện) có độ dài khoảng 20 - 30 trang. Mỗi cuốn tạp chí là tập hợp các chương của nhiều manga dài kì, dày từ 200 - 700 trang. Sau đó, những bộ truyện “ăn khách” sẽ được xuất bản thành các tập. Weekly Shonen Jump là một trong những tạp chí manga nổi tiếng chuyên đăng tải các manga dài kì dành cho độc giả độ tuổi thiếu niên. Death Note được đăng trên tạp chí này từ số 1 năm 2004 (12/2003) đến số 24 năm 2006.

[7] Họa sĩ minh họa truyện tranh cũng là một nghề khá phổ biến ở Nhật Bản hiện nay. Các mangaka có thể tự vẽ hoặc chỉ đơn thuần sáng tác cốt truyện và sẽ có họa sĩ đảm nhận việc minh họa. Tuy nhiên mangaka và họa sĩ minh họa chỉ trao đổi bản thảo với nhau thông qua biên tập viên, ít khi gặp mặt và cũng không có sự trao đổi qua lại về diễn biến của câu chuyện.

[8] Hoàng Phê (Chủ biên) (2003), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr. 66-67.

[9] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Sđd, tr. 24-25.

[10] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Sđd, tr. 27.

[11] Oba Tsugumi (2019), Death Note, tập 1, IPM và Nxb Hà Nội, Hà Nội, tr. 13.

[12] Oba Tsugumi (2019), Death Note, tập 1, Sđd, tr.23.

[13] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Sđd, tr. 568-571.

[14] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Sđd, tr. 568-571.

[15] Oba Tsugumi (2019), Death Note, tập 1, Sđd, tr. 145-147.

[16] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Sđd, tr. 126-127.

[17] Oba Tsugumi (2019), Death Note, tập 1, Sđd, tr. 47-49.

[18] Oba Tsugumi (2019), Death Note, tập 1, Sđd, tr. 152.

[19] Oba Tsugumi (2019), Death Note, tập 1, Sđd, tr. 156.

[20] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Sđd, tr. 859-861.

[21] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Sđd, tr. 573.

[22] Oba Tsugumi (2019), Death Note, tập 1, Sđd, tr. 13.

[23] Oba Tsugumi (2019), Death Note, tập 2, IPM và Nxb Hà Nội, Hà Nội, tr. 132.

[24] Oba Tsugumi (2019), Death Note, tập 3, IPM và Nxb Hà Nội, Hà Nội, tr. 165.

[25] Oba Tsugumi (2019), Death Note, tập 12, IPM và Nxb Hà Nội, Hà Nội, tr. 50.

[26] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Sđd, tr. 849-850.

[27] Oba Tsugumi (2019), Death Note, tập 2, Sđd, tr. 195.

[28] Oba Tsugumi (2019), Death Note, tập 2, Sđd, tr. 195.

0thảo luận