Trang chủ

Tác động của việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản đối với việc nâng cao năng lực của sinh viên - Nhìn từ thực tế của sinh viên Trường Đại học Ngoại thương

Đăng ngày: 26-08-2024, 13:36 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 12

Trần Thị Thu Thủy1

 

Tóm tắt: Thông qua việc so sánh kết quả khảo sát đối với sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật thương mại Trường Đại học Ngoại thương thuộc nhóm "Đã từng đi Nhật" và nhóm "Chưa từng đi Nhật" trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2019, tác giả chỉ ra những tác động tích cực của việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản đối với việc nâng cao năng lực của sinh viên bao gồm kiến thức (tiếng Nhật, văn hóa Nhật Bản), kỹ năng (giải quyết vấn đề; chịu áp lực; kiên trì; ngoại giao; thích ứng với các nền văn hóa khác biệt; giao tiếp...), thái độ (tự tin; quyết tâm thực hiện mục tiêu; dám gánh chịu rủi ro; rộng lượng hơn về vấn đề tôn giáo; cộng sinh với những người có hệ giá trị khác mình; quan tâm tới các quan hệ quốc tế; ý thức mình là người Việt Nam, là công dân toàn cầu; ý thức về chất lượng; bảo vệ môi trường; trách nhiệm với công việc; tinh thần phục vụ; nói cảm ơn, xin lỗi; đúng giờ, tuân thủ thời hạn; tôn trọng văn hóa nơi công cộng; tuân thủ quy định, nguyên tắc; tích cực trong hoạt động học tập...).

Từ khóa: Du học, thực tập, Nhật Bản, năng lực, sinh viên


1. Đặt vấn đề

Theo thống kê của Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO), tính đến tháng 5/2018, số lượng lưu học sinh người Việt[1]Nam du học tại Nhật Bản là 72.354 người, đứng thứ hai sau Trung Quốc. Tại Việt Nam, Nhật Bản là nước dẫn đầu trong các quốc gia mà người Việt Nam lựa chọn để đi du học (72.354 người trong tổng số 170.000 người). Con số này được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới.

Trong bài viết này, tác giả tiến hành phân tích kết quả khảo sát đối với sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật thương mại Trường Đại học Ngoại thương - trường đại học có lịch sử đào tạo tiếng Nhật lâu dài nhất tại Việt Nam - để làm rõ tác động của việc du học, thực tập tại Nhật Bản đến việc nâng cao năng lực của sinh viên, qua đó cung cấp những gợi ý hữu ích đối với các cơ sở đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam nói chung, Trường Đại học Ngoại thương nói riêng trong việc triển khai các hoạt động du học, thực tập tại Nhật Bản dành cho người học, từ đó góp phần vào việc xây dựng chương trình đào tạo, chương trình hợp tác hiệu quả hơn với các đối tác Nhật Bản.

2. Một số khái niệm cơ bản

Du học là việc đi học ở một nước khác với nước hiện tại của người học đang sinh sống nhằm bổ sung thêm kiến thức, ngành nghề nhằm thỏa mãn nhu cầu học tập của bản thân hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tài trợ (OECD, 2010).

Thực tập là dạng hoạt động thực tiễn sau phần học lý thuyết nhằm mục đích cụ thể hóa và củng cố kiến thức, phát triển khả năng quan sát, nhận thức, hình thành các kỹ năng, kỹ xảo cần thiết cho cuộc sống tự lập trong tương lai của học sinh (Từ điển Giáo dục).

Năng lực được cấu thành bởi ba yếu tố gồm kiến thức, thái độ và kỹ năng (mô hình cấu trúc năng lực ASK[2] của Benjamin Bloom).

Kiến thức là những hiểu biết về một sự vật hoặc hiện tượng mà con người có được thông qua trải nghiệm thực tế hoặc giáo dục.

Kỹ năng là kỹ năng thao tác, khả năng áp dụng tri thức khoa học vào thực tiễn để giải quyết vấn đề, biến kiến thức thành hành động. Thông thường, kỹ năng được chia thành các cấp độ chính như: bắt chước, ứng dụng, vận dụng, vận dụng sáng tạo.

Thái độ thuộc về phạm vi cảm xúc, tình cảm, được hiểu là quan điểm về giá trị, thế giới quan, suy nghĩ, tình cảm, ứng xử của cá nhân ấy với công việc đang đảm nhận. Các phẩm chất và hành vi thể hiện thái độ của cá nhân với công việc, động cơ, cũng như những tố chất cần có để đảm nhận tốt công việc.

3. Phân tích kết quả khảo sát tác động của việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản đối với việc nâng cao năng lực của sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật thương mại Trường Đại học Ngoại thương

3.1. Khái quát về cuộc khảo sát

Đối tượng khảo sát là các sinh viên đã tốt nghiệp và sinh viên năm cuối chuyên ngành tiếng Nhật thương mại Trường Đại học Ngoại thương từ năm 2006 đến tháng 10/2019, được chia thành 2 nhóm: nhóm đã từng đi du học, thực tập tại Nhật Bản (gọi tắt là nhóm “Đã từng đi Nhật”) và nhóm chưa từng đi du học, thực tập tại Nhật Bản (gọi tắt là nhóm “Chưa từng đi Nhật”). Nhóm "Đã từng đi Nhật" là những sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật thương mại Trường Đại học Ngoại thương đã từng đi du học, thực tập tại Nhật Bản theo các chương trình chính thức của nhà trường từ 3 tháng trở lên. Nhóm "Chưa từng đi Nhật" là nhóm còn lại. Việc so sánh kết quả khảo sát giữa hai nhóm này sẽ giúp chúng ta làm rõ việc có hay không sự tác động của việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản đối với việc nâng cao năng lực của sinh viên.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2019 bằng phiếu hỏi gửi qua đường link google drive.

Tổng số phiếu thu được là 159 phiếu, trong đó nhóm “Đã từng đi Nhật” 88 phiếu, nhóm “Chưa từng đi Nhật” 71 phiếu.

3.2. Một số nhận xét rút ra từ kết quả khảo sát về tác động của việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản tới việc nâng cao năng lực của sinh viên

(1)    Tác động nâng cao kiến thức.

Từ kết quả khảo sát hiển thị ở hình 1.1 và 1.2 có thể thấy tỷ lệ sinh viên thuộc nhóm “Đã từng đi Nhật” cho rằng “năng lực vận dụng tiếng Nhật” và “kiến thức về xã hội, tập quán, văn hóa Nhật Bản” được nâng cao cao hơn rõ rệt so với tỷ lệ này của nhóm sinh viên “Chưa từng đi Nhật”. Về “kiến thức, kỹ năng chuyên môn”, “năng lực vận dụng các kiến thức cơ bản, kiến thức chung”, không quan sát thấy sự chênh lệch đáng kể giữa hai nhóm.


Hình 1.1. Tác động nâng cao kiến thức của sinh viên - Nhóm “Đã từng đi Nhật”

Tác động của việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản  đối với việc nâng cao năng lực của sinh viên - Nhìn từ thực tế của sinh viên Trường Đại học Ngoại thương

Hình 1.2. Tác động nâng cao kiến thức của sinh viên - Nhóm “Chưa từng đi Nhật”

 

(2)    Tác động đến việc nâng cao kỹ năng.

Quan sát kết quả khảo sát ở hình 2.1 và hình 2.2 có thể thấy: nếu tính gộp cả tỷ lệ trả lời “hoàn toàn đồng ý” và “đồng ý” thì các kỹ năng cho thấy tỷ lệ phần trăm cao hơn ở nhóm “Đã từng đi Nhật” so với nhóm “Chưa từng đi Nhật” gồm có: tính tích cực và khả năng hành động (89% so với 81%), tính linh hoạt (94% và 86%), khả năng giải quyết vấn đề (84% và 81%), kỹ năng ngoại giao (77% và 73%), kỹ năng thích ứng với các nền văn hóa khác biệt (97% và 84%), kỹ năng giao tiếp (96% và 87%).

Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng tỷ lệ trả lời “hoàn toàn đồng ý” thì ngoài các kỹ năng trên, các kỹ năng sau đây cũng cho thấy tỷ lệ cao hơn ở nhóm “Đã từng đi Nhật” so với nhóm “Chưa từng đi Nhật”: khả năng chịu áp lực (45% và 35%), tính kiên trì (42% và 32%).

Các kỹ năng không cho thấy sự vượt trội rõ rệt của nhóm “Đã từng đi Nhật” so với nhóm “Chưa từng đi Nhật” gồm có: khả năng lãnh đạo, tính kiên trì, tính linh hoạt, khả năng phát hiện vấn đề, khả năng sáng tạo, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng tư duy logic, kỹ năng hợp tác. Kết quả này nói lên rằng sinh viên không nhất thiết phải đi du học, thực tập tại Nhật Bản, mà học tại Trường Đại học Ngoại thương cũng có thể trau dồi các kỹ năng này.


Hình 2.1. Tác động đến việc nâng cao kỹ năng cho sinh viên - Nhóm “Đã từng đi Nhật”


Hình 2.2. Tác động đến việc nâng cao kỹ năng cho sinh viên - Nhóm “Chưa từng đi Nhật”

 

(3)    Tác động đến việc nâng cao thái độ.

Quan sát từ kết quả tại hình 3.2 và hình 3.2 có thể thấy: trong số 15 nội dung liên quan đến thái độ góp phần hình thành hệ giá trị của sinh viên, nhóm “Đã từng đi Nhật” có tỷ lệ trả lời “hoàn toàn đồng ý” và “đồng ý” cao hơn nhóm “Chưa từng đi Nhật”. Các ý thức sau đây đã được nâng cao sau thời gian đi du học, thực tập tại Nhật Bản: ý thức về sự hữu dụng của bản thân trong cộng đồng (87% và 74%), sự tự tin vào bản thân (94% và 73%), ý thức quyết tâm thực hiện mục tiêu của bản thân (91% và 88%), rộng lượng hơn về vấn đề tôn giáo (77% và 74%), ý thức cộng sinh với những người có hệ giá trị, nền tảng văn hóa khác mình (90% và 84%), quan tâm tới các quan hệ ngoại giao, quan hệ quốc tế (81% và 78%), ý thức mình là người Việt Nam (89% và 75%), ý thức mình là công dân toàn cầu (84% và 78%).

Về ý thức dám gánh chịu rủi ro, dám dấn thân, tuy tỷ lệ trả lời “hoàn toàn đồng ý” và “đồng ý” giữa hai nhóm là ngang bằng nhau (79%), nhưng nếu xét riêng kết quả trả lời “hoàn toàn đồng ý” thì nhóm “Đã từng đi Nhật” có tỷ lệ cao hơn (30% và 23%).

Đối với các nội dung liên quan đến sự bình đẳng nam nữ, các vấn đề toàn cầu, các vấn đề liên quan tới hòa bình thế giới, các vấn đề chính trị, xã hội thì nhóm “Chưa từng đi Nhật” lại có tỷ lệ trả lời “hoàn toàn đồng ý” và “đồng ý” cao hơn.

Tiếp theo là kết quả khảo sát về sự thay đổi trong thái độ ứng xử của sinh viên sau khi đi du học, thực tập tại Nhật Bản. Người Nhật vốn được đánh giá cao về văn hóa ứng xử, bao gồm văn hóa ứng xử trong đời sống sinh hoạt, trong công việc và ở nơi công cộng. Sinh viên khi đi du học, thực tập tại Nhật Bản được kỳ vọng là sẽ tiếp nhận được những ảnh hưởng tích cực từ người Nhật trong văn hóa ứng xử và cải thiện được thái độ ứng xử của bản thân.


Hình 3.1. Tác động nâng cao thái độ cho sinh viên - Nhóm “Đã từng đi Nhật

Hình 3.2. Tác động nâng cao thái độ cho sinh viên - Nhóm “Chưa từng đi Nhật

 


Hình 4.1. Tác động của văn hóa Nhật Bản đến thái độ ứng xử của sinh viên - Nhóm “Đã từng đi Nhật”


Hình 4.2. Tác động của văn hóa Nhật Bản đến thái độ ứng xử của sinh viên - Nhóm “Chưa từng đi Nhật”

 

 

Quan sát qua hình 4.1 và hình 4.2 có thể thấy ở tất cả các nội dung: ý thức về chất lượng, ý thức về bảo vệ môi trường, tinh thần tự lập, tinh thần trách nhiệm với công việc, tinh thần phục vụ, nói cảm ơn xin lỗi, đúng giờ, tuân thủ thời hạn, tôn trọng văn hóa nơi công cộng, tuân thủ quy định, nguyên tắc, nhóm “Đã từng đi Nhật” đều trả lời là các ý thức này của mình được nâng cao với tỷ lệ trả lời “hoàn toàn đồng ý” và “đồng ý” cao hơn so với nhóm “Chưa từng đi Nhật”. Kết quả này cho thấy việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản đã cho các sinh viên cơ hội trải nghiệm văn hóa ứng xử của người Nhật và điều này đã giúp họ có những thay đổi rõ rệt trong thái độ ứng xử của mình.

Cuối cùng là những tác động của việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản đến thái độ học tập của sinh viên.


Hình 5.1. Tác động đến thái độ học tập của sinh viên - Nhóm “Đã từng đi Nhật”

Hình 5.2. Tác động đến thái độ học tập của sinh viên - Nhóm “Chưa từng đi Nhật”

 

Quan sát từ hình 5.1 và hình 5.2 có thể thấy ở tất cả các nội dung được hỏi: tích cực phát biểu trong giờ học, tích cực trao đổi với giáo viên, tích cực tham gia vào việc thuyết trình trong giờ học, tích cực giao lưu với các bạn trong lớp, tích cự trong việc làm bài tập, nhóm “Đã từng đi Nhật” đều có tỷ lệ trả lời “hoàn toàn đồng ý” và “đồng ý” cao hơn so với nhóm “Chưa từng đi Nhật”. Kết quả này cho thấy các sinh viên sau khi đi du học, thực tập tại Nhật Bản, thái độ học tập đã trở nên tích cực hơn, họ chủ động trong việc tương tác với giáo viên và các sinh viên khác trong lớp để lĩnh hội, trau dồi kiến thức và mạnh dạn thể hiện ý kiến của mình trong giờ học. Có thể nói đây là một hiệu quả tích cực mà sinh viên thu được từ việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản.

4. Kết luận

Từ các phân tích ở trên, có thể rút ra kết luận về tác động của việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản đến việc nâng cao năng lực của sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật thương mại Trường Đại học Ngoại thương như sau:

Về kiến thức, việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản đã có tác dụng giúp sinh viên nâng cao được năng lực sử dụng tiếng Nhật; nâng cao kiến thức về xã hội, tập quán, văn hóa Nhật Bản; tuy nhiên chưa có tác động rõ rệt đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn; năng lực vận dụng các kiến thức cơ bản, kiến thức chung.

Về kỹ năng, việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản đã có tác dụng giúp sinh viên nâng cao tính tích cực và khả năng hành động; tính linh hoạt; khả năng giải quyết vấn đề; khả năng chịu áp lực; tính kiên trì; kỹ năng ngoại giao; kỹ năng thích ứng với các nền văn hóa khác biệt; kỹ năng giao tiếp. Đây là những kỹ năng cần thiết trong thế kỷ XXI – thế kỷ của hội nhập và công nghệ thông tin, giúp sinh viên có thể cạnh tranh để hội nhập toàn cầu và thích ứng với môi trường thường xuyên thay đổi. Tuy nhiên, chưa quan sát thấy những tác động rõ rệt đối với khả năng lãnh đạo; khả năng phát hiện vấn đề; khả năng sáng tạo; kỹ năng tư duy phản biện; kỹ năng tư duy logic; kỹ năng hợp tác.

Về thái độ, các sinh viên “Đã từng đi Nhật” có sự thay đổi rõ rệt hơn so với các sinh viên “Chưa từng đi Nhật” trong ý thức về sự hữu dụng của bản thân trong cộng đồng; sự tự tin vào bản thân; ý thức quyết tâm thực hiện mục tiêu của bản thân; ý thức dám gánh chịu rủi ro, dám dấn thân; rộng lượng hơn về vấn đề tôn giáo; ý thức cộng sinh với những người có hệ giá trị, nền tảng văn hóa khác mình; quan tâm tới các quan hệ ngoại giao, quan hệ quốc tế; ý thức mình là người Việt Nam; ý thức mình là công dân toàn cầu. Tuy nhiên, không quan sát thấy sự thay đổi vượt trội về ý thức liên quan đến sự bình đẳng nam nữ; các vấn đề toàn cầu; các vấn đề liên quan tới hòa bình thế giới; các vấn đề chính trị.

Về những ảnh hưởng của văn hóa ứng xử của người Nhật, các sinh viên “Đã từng đi Nhật” thông qua những trải nghiệm văn hóa ứng xử của người Nhật đã nâng cao được ý thức về chất lượng; ý thức về bảo vệ môi trường; tinh thần tự lập; tinh thần trách nhiệm với công việc; tinh thần phục vụ; nói cảm ơn xin lỗi; đúng giờ, tuân thủ thời hạn; tôn trọng văn hóa nơi công cộng; tuân thủ quy định, nguyên tắc.

Về thái độ trong giờ học, các sinh viên “Đã từng đi Nhật” cho thấy sự cải thiện rõ rệt hơn so với các sinh viên “Chưa từng đi Nhật” qua việc tích cực phát biểu trong giờ học; tích cực trao đổi với giáo viên; tích cực tham gia vào việc thuyết trình trong giờ học; tích cực giao lưu với các bạn trong lớp; tích cực trong việc làm bài tập. Có thể nói đây là một hiệu quả tích cực mà sinh viên thu được từ việc đi du học, thực tập tại Nhật Bản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Li, C. (2019, 03 31), 海外留学の効果に関する実証分析―(非)認知能力と労働市場の成果を中心に―, 明治学院大学国際学研究 (Phân tích thực chứng về hiệu quả du học nước ngoài – quan sát từ năng lực nhận biết và thị trường lao động, Viện nghiên cứu quốc tế học Học viện Meiji), 54, 1-28.
  2. Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Hữu Quỳnh, Vũ Văn Tảo, Bùi Hiền (2001), Từ điển giáo dục học, Nxb Từ điển Bách khoa.
  3. Nomizu, T., & Nitta, I. (2014, 7), 海外留学することの意義ー平成23・24年留学生交流支援制度(短期派遣・ショートビジット)追加アンケート調査分析結果からー, 留学交流 (Ý nghĩa của việc du học nước ngoài – từ phân tích kết quả khảo sát bổ sung về cơ chế hỗ trợ giao lưu du học sinh năm 2011, 2012 (phái cử, thăm viếng ngắn hạn, giao lưu du học).
  4. OECD (2010), The OECD Innovation Strategy.
  5. Shinmi, Y., Ota, H., Watabe, Y., & Akiba, H. (2016, 06), グローバル人材育成と留学の中・長期的インパクトに関する研究 : 留学経験者と留学未経験者に対するオンライン調査結果より, アジア文化研究 (Nghiên cứu về đào tạo nguồn nhân lực toàn cầu và ảnh hưởng trung, dài hạn của việc du học nước ngoài: từ kết quả khảo sát online đối với người đã từng du học và người chưa từng du học, Nghiên cứu văn hóa châu Á), 23, 3-25.
  6. Trần Thị Vân Anh (2018), “Sử dụng mô hình ASK trong đánh giá năng lực của giảng viên các trường đại học thuộc Bộ lao động-thương binh xã hội”, Tạp chí Giáo dục, số 6.
  7. 河合塾 (2018), 文部科学省委託事業:日本人の海外留学の効果測定に関する調査研究の成果報告書, 学校法人河合塾 (Kawai Juku, Dự án ủy thác từ Bộ Văn hóa – Giáo dục Nhật Bản: Báo cáo kết quả nghiên cứu khảo sát về đánh giá hiệu hiệu quả du học nước ngoài của người Nhật, Pháp nhân trường học Kawai Juku).

 

 

 

 

 

 

 



[1] TS., Trường Đại học Ngoại thương

[2] ASK là viết tắt của Attitude (phẩm chất hay thái độ), Skills (Kỹ năng) và Knowledges (kiến thức).

0thảo luận