Trang chủ

Tọa đàm khoa học “Một số vấn đề văn hóa – xã hội của Nhật Bản”

Đăng ngày: 30-06-2024, 11:52 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Hội nghị - Hội thảo

Sáng ngày 28/6/2024, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Một số vấn đề văn hóa – xã hội của Nhật Bản” do các cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản trình bày. Tham dự tọa đàm có PGS.TS Phạm Hồng Thái – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, TS. Ngô Hương Lan – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, cùng toàn thể cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Mở đầu tọa đàm, TS. Nguyễn Ngọc Phương Trang có bài trình bày với chủ đề “Lao động không chính thức ở Nhật Bản”. Báo cáo đã tập trung chỉ ra bối cảnh kinh tế - xã hội Nhật Bản những năm 1980-1990 với những đặc điểm như: nền kinh tế Nhật Bản phát triển thịnh vượng trong thập niên 1970 nhưng cũng đã bộc lộ những điểm yếu; sau thời kỳ kinh tế “bong bóng” vào cuối những năm 1980, nền kinh tế Nhật Bản phát triển chậm lại, sự phân hóa bắt đầu xuất hiện trong tầng lớp công nhân đã ảnh hưởng đến thị trường lao động tại đây và gia tăng xu hướng phát triển lao động tự do. Trên cơ sở đó, tác giả đã phân tích thực trạng lao động tự do (lao động không chính thức) tại Nhật Bản qua các thời kỳ. Tỷ lệ lao động không chính thức so với tổng số lao động làm công ăn lương tại Nhật Bản đã liên tục tăng lên. Đặc biệt vào giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch, do những nhu cầu mới phát sinh trong đại dịch, nên số lượng lao động không chính thức, lao động thời vụ lớn hơn những giai đoạn trước. Báo cáo cũng đã làm rõ một số điểm khác biệt giữa lao động chính thức và lao động không chính thức, giữa lao động không chính thức ở các nhóm tuổi; đưa ra một số ví dụ minh họa về lực lượng lao động không chính thức ở Nhật Bản hiện nay.

Tọa đàm khoa học “Một số vấn đề văn hóa – xã hội của Nhật Bản”

TS. Nguyễn Ngọc Phương Trang trình bày Báo cáo tại Tọa đàm khoa học

Báo cáo tham luận thứ hai do TS.Ngô Hương Lan trình bày với chủ đề “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục từ năm 2002 đến nay”. Báo cáo tập trung phân tích và làm rõ các lĩnh vực hợp tác về văn hóa và giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản từ những năm đầu thế kỷ XXI đến nay khi quan hệ của hai nước được nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược. Các lĩnh vực cụ thể được tác giả đề cập đến trong báo cáo là: (i) Viện trợ ODA về văn hóa, giáo dục; (ii) Giao lưu nghệ thuật; (iii) Hợp tác giáo dục; (iv) Đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam; (v) Đào tạo tiếng Việt tại Nhật Bản; (vi) Nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam và Nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản. Từ năm 2002 đến nay, viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa tiêu biểu có viện trợ các thiết bị học tiếng Nhật, các dụng cụ âm nhạc, các thiết bị truyền hình, bảo tồn, trùng tu tài sản văn hóa hữu hình – vô hình tại Việt Nam… Hai nước cũng tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật thường niên như: hoạt động trình diễn áo dài được diễn ra hàng năm tại Nhật Bản, lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản được tổ chức ở Hội An… Về hợp tác giáo dục, hai nước cũng đã có những dự án nổi bật như: đại học Việt – Nhật được thành lập ngày 21/7/2014 đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới trở thành nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia ở Việt Nam; Dự án Ishikawa “Nghiên cứu các kế hoạch phát triển để hỗ trợ nền kinh tế thị trường Việt Nam” vào những năm đầu thập niên 1990…; ký kết nhiều văn bản hợp tác giáo dục; số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng tăng lên qua từng năm. Về đào tạo tiếng Nhật và nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam, các trường Đại học ở Việt Nam đã mở các lớp, các khoa đào tạo tiếng Nhật cho sinh viên và đối tượng học tiếng Nhật còn được mở rộng đến cả các em học sinh THPT, THCS và Tiểu học. Nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện từ những năm 1970, nhưng phải đến năm 1993 khi Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản (tiền thân của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á) được thành lập thì nghiên cứu về Nhật Bản mới thực sự trở nên bài bản, đóng góp lớn trong việc tư vấn chính sách, cung cấp thông tin chính xác về Nhật Bản cho các cơ quan thông tấn, báo chí, góp phần phát triển giáo dục – đào tạo sinh viên tiếng Nhật và ngành Nhật Bản học… Về phía Nhật Bản, thế hệ các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã tăng lên cả về chất và lượng, thúc đẩy hơn nữa những trao đổi học thuật giữa các nhà nghiên cứu hai nước. Từ những nội dung trên, báo cáo đã đưa ra một số nhận xét và đánh giá chính về tình hình hợp tác, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản như: hợp tác văn hóa – giáo giục Việt Nam – Nhật Bản phát triển mạnh mẽ từ đầu thập niên 2000 đến nay; vai trò của chính sách nhà nước rất quan trọng, các lĩnh vực có sự cam kết của chính phủ hai nước có sự phát triển mạnh mẽ, bứt phá; hợp tác giáo dục sẽ là lĩnh vực có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới do nhu cầu và chính sách thúc đẩy; số người học tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng nhanh.

Tọa đàm khoa học “Một số vấn đề văn hóa – xã hội của Nhật Bản”

TS. Ngô Hương Lan trình bày Báo cáo tại Tọa đàm khoa học

Sau khi nghe hai báo cáo tham luận của TS. Ngô Hương Lan và TS. Nguyễn Ngọc Phương Trang, các nhà nghiên cứu tham gia tọa đàm đã tiến hành thảo luận sôi nổi về chủ đề này. Về hợp tác văn hóa – giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản, các ý kiến chủ yếu đề cập đến một số vấn đề như: số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản; viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam có sự thay đổi qua từng giai đoạn; việc đào tạo, giảng dạy tiếng Việt tại Nhật Bản hiện nay tuy đã được chú trọng hơn (có nhiều trường Đại học ở Nhật Bản đưa bộ môn giảng dạy tiếng Việt vào trong chương trình học nhưng là môn học tự chọn, không bắt buộc), trong khi ở chiều ngược lại, Việt Nam đã cơ sự đầu tư rất bài bản cho việc giảng dạy và đào tạo tiếng Nhật Bản; ngành nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức, các nhà nghiên cứu ít có cơ hội khảo sát thực địa, kinh phí nhà nước dành cho nghiên cứu ở Việt Nam nói chung còn hạn hẹp, chưa có hiệp hội nghiên cứu kết nối tất cả các nhà nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam… Về thực trạng lao động không chính thức tại Nhật Bản, tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu về vấn đề chế độ, chính sách, quy định của chính phủ Nhật Bản đối với lực lượng lao động; các hình thức lao động mới xuất hiện; quan điểm của người dân về công việc lao động không chính thức …

Tọa đàm khoa học “Một số vấn đề văn hóa – xã hội của Nhật Bản”

PGS.TS Phạm Hồng Thái tổng kết Tọa đàm khoa học

Tổng kết toạ đàm, PGS.TS Phạm Hồng Thái cho rằng, buổi toạ đàm đã mang lại những thông tin mới mẻ, hữu ích, những góc nhìn đa chiều hơn về tình hình văn hóa, xã hội của Nhật Bản, đặc biệt là vấn đề về thực trạng lao động hiện nay tại Nhật Bản, hợp tác văn hóa – giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được hai báo cáo viên và các nhà nghiên cứu thảo luận sôi nổi, đưa đến nhiều thông tin, kiến thức, để cùng nhau hiểu rõ hơn và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề này.

Phan Huyền

0thảo luận