Trang chủ

Phát triển sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc

Đăng ngày: 4-07-2024, 05:09 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 11

Bùi Đông Hưng1

 

 

Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 những năm gần đây tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh. Nhằm nắm bắt xu hướng thời đại mới, Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực định hướng khu vực sản xuất thực hiện sản xuất thông minh để có thể tự động đáp ứng nhu cầu thị trường. Chính phủ Hàn Quốc hiện đang thúc giục các doanh nghiệp thích ứng với hướng đi mới bằng chiến lược “Đổi mới công nghiệp sản xuất 3.0” tập trung vào việc ứng dụng nhà máy thông minh giúp doanh nghiệp cải thiện quá trình tự động hóa, trao đổi dữ liệu và công nghệ sản xuất. Bài viết làm rõ thực trạng phát triển sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc và đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Từ khóa: Hàn Quốc, công nghiệp 4.0, sản xuất thông minh, nhà máy thông minh


1. Tổng quan về sản xuất thông minh[1]

Sản xuất thông minh (smart manufacturing) là việc áp dụng sự tiên tiến của công nghệ thông tin tới mọi khía cạnh trong chu trình sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất, tiết kiệm thời gian cũng như chi phí và bảo vệ môi trường. Nói ngắn gọn, sản xuất thông minh chính là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất để tối ưu hóa năng suất, đáp ứng sự biến đổi năng động của thị trường.

Sản xuất thông minh được xem là xu hướng mới của sản xuất trong tương lai. Sản xuất thông minh sử dụng các ứng dụng và thiết bị tiên tiến của công nghệ thông tin vào mọi quy trình trong sản xuất. Việc áp dụng quy trình sản xuất thông minh giúp các doanh nghiệp gia tăng năng suất, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Sản xuất thông minh là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất tự động, tối ưu hóa để đáp ứng được sự thay đổi và chuyển biến trên thị trường.

Sản xuất thông minh có thể được chia thành hai phần, các nhà máy thông minh và tự động hóa bằng cách sử dụng robot[2]. Nhà máy thông minh tập trung vào các tính năng phần mềm, chẳng hạn như sử dụng các giải pháp và phương pháp tiên tiến, trong khi đó tự động hóa robot hướng tới việc tự động hóa quy trình sản xuất thông qua áp dụng robot vào toàn bộ hệ thống.

Tầm quan trọng của việc ứng dụng sản xuất thông minh vào ngành sản xuất đã ngày càng gia tăng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Thuê địa điểm sản xuất đã trở thành một xu hướng toàn cầu do các chi phí như nhân công và vận chuyển tăng cao. Dù việc thuê địa điểm có thể làm giảm chi phí vận chuyển nhưng chi phí lao động vẫn là gánh nặng đối với các công ty. Do đó nâng cao năng suất và sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao là giải pháp cho các doanh nghiệp để hạ chi phí. Bên cạnh đó, sự thay đổi cơ cấu dân số do già hóa và xu hướng sinh thấp cũng đang đe dọa ngành sản xuất, đòi hỏi cần phải cải thiện năng suất. Hơn nữa, sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty sản xuất đã rút ngắn vòng đời của sản phẩm, có nghĩa là công ty cần sản xuất số lượng sản phẩm lớn hơn và các sản phẩm cần có được sự cải tiến nâng cấp nhất định qua từng năm để giữ chân khách hàng. Vì những nguyên nhân này, việc cải thiện năng suất và quản lý quy trình sản xuất hiện đang trở nên hết sức cần cần thiết.

Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào ngành sản xuất như Mỹ, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc đều đang thực hiện nhiều chính sách khác nhau để đẩy nhanh sự phát triển của sản xuất thông minh. Mỹ đã công bố chương trình Quan hệ Đối tác Sản xuất Tiên tiến (AMP) và Sáng kiến ​​Robot Quốc gia (NRI) với quỹ 31,5 triệu USD để thúc đẩy phát triển robot và hỗ trợ thuê địa điểm sản xuất. Đức đã công bố kế hoạc Công nghiệp 4.0 (Industrie 4.0) để phát triển hệ thống làm việc chung giữa con người và robot nhằm tiếp thêm sinh lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Tại Nhật Bản, hơn 200 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực đang cùng tham gia với chính phủ nhằm thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp mới và tiêu chuẩn hóa các bộ phận quan trọng của robot công nghiệp theo chính sách “Chiến lược robot” của chính phủ. Trung Quốc đã công bố “Sản xuất Trung Quốc năm 2025” nhằm thúc đẩy xây dựng các nhà máy thông minh cũng như môi trường làm việc kỹ thuật số trong các ngành công nghiệp chính.

Không nằm ngoài xu hướng đó, Hàn Quốc hiện đang thực hiện các chính sách khác nhau để tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách triển khai các nhà máy thông minh và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp robot bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất robot. Hàn Quốc đã thành lập Tổ chức Nhà máy Thông minh Hàn Quốc (KOSF) có sự tham gia của ngành công nghiệp, chính phủ và các trường đại học. Mục đích chính của KOSF là lan tỏa các nhà máy thông minh và thiết lập các chính sách hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh bằng cách hợp tác với các bộ ngành liên quan. KOSF đã triển khai cài đặt các nhà máy thông minh vào địa điểm sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng thời tư vấn cách vận hành hệ thống đó. KOSF cũng cung cấp chương trình đào tạo nhân lực để các nhân viên của doanh nghiệp có thể vận hành hệ thống mới. Về khía cạnh công nghiệp robot, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Viện Phát triển ngành công nghiệp robot Hàn Quốc (KIRIA) để hỗ trợ các công ty sản xuất robot trong nước đạt được khả năng cạnh tranh và phát triển robot tiên tiến. Ngoài ra KIRIA còn hỗ trợ tiếp thị, xác định cung - cầu về robot trong nước và quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực cho các công ty sản xuất robot và hướng dẫn nâng cao năng suất, chất lượng.

2. Thực trạng phát triển sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc

2.1. Các nhà máy thông minh

Nhà máy thông minh là nơi các công ty sản xuất kết hợp toàn bộ quy trình từ lập kế hoạch đến bán sản phẩm mới và kết hợp công nghệ thông tin để sản xuất sản phẩm. Đó là một hệ thống sản xuất, nơi tất cả các thành phần của chuỗi giá trị sản xuất đạt được tích hợp, giao tiếp và cộng tác theo chiều dọc/chiều ngang theo thời gian thực[3] và được tích hợp tự động hóa nhằm mục đích bảo mật dữ liệu thu được từ quá trình số hóa quy trình sản xuất[4].

Ngày nay hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành sản xuất ở Hàn Quốc đều đang phải đối mặt với thách thức khi cố gắng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin. Để giúp đỡ các doanh nghiệp này, “Chiến lược 3.0” (Strategy 3.0), một sáng kiến ​​của Chính phủ Hàn Quốc nhằm nâng cấp toàn diện ngành sản xuất được triển khai vào tháng 6 năm 2014 (dựa trên cảm hứng trực tiếp từ kế hoạch Công nghiệp 4.0 của Đức). Trong “Chiến lược 3.0” của Hàn Quốc, nhà máy thông minh được định nghĩa là “một hệ thống sản xuất mà tất cả các quy trình kinh doanh như lập kế hoạch, thiết kế, sản xuất, phân phối, bán hàng đều được tự động hóa, được kết nối - tích hợp bởi các công nghệ thông tin khác nhau. Nó có thể sản xuất các sản phẩm cá nhân hóa phục vụ khách hàng với thời gian, chi phí và chất lượng đảm bảo[5]. Theo đó có hai mục tiêu chính được Hàn Quốc đề ra khi triển khai nhà máy thông minh là hoàn thiện hoạt động sản xuất và sản xuất phục vụ nhu cầu cá nhân hóa[6].

Theo KOSF, năm 2014 mới chỉ có 57% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hàn Quốc nhận thức được tầm quan trọng của các nhà máy thông minh. Tuy nhiên, đến năm 2016, con số này đã tăng lên 91,9%. KOSF đã tích cực quảng bá nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước để họ nhận thức rõ hơn về chúng. Năm 2014 chỉ có 227 nhà máy được lắp đặt tại Hàn Quốc, con số này tăng lên 1.240 vào năm 2015, 2.800 vào năm 2016, 5.000 vào năm 2017. KOSF sau đó lên kế hoạch tăng số lượng nhà máy thông minh lên 20.000 vào năm 2020 và đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

KOSF hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai các hệ thống nhà máy thông minh theo các giai đoạn khác nhau. Đầu tiên KOSF xem xét ý kiến riêng của từng công ty và đánh giá tính hiệu quả của việc hỗ trợ xây dựng. Sau đó KOSF thiết lập kế hoạch xây dựng nhà máy thông minh chỉ dành cho một doanh nghiệp cụ thể thông qua một chuyên gia của dự án nhà máy thông minh. Cuối cùng hệ thống nhà máy thông minh sẽ được thiết lập về phần mềm, phần cứng và nguồn nhân lực. Cơ sở vật chất của doanh nghiệp cũng sẽ đồng thời được nâng cấp để đáp ứng tự động hóa thông qua các khoản vay ưu đãi, ngoài ra KOSF còn cung cấp các chương trình bồi dưỡng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực hoạt động của doanh nghiệp.

Nhờ nỗ lực của KOSF, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc đã nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành sản xuất. Đến cuối năm 2016, năng suất của 1.861 doanh nghiệp triển khai hệ thống nhà máy thông minh đã tăng 23% so với trước khi triển khai. Ngoài ra, tỷ lệ sai hỏng và chi phí sản xuất giảm lần lượt là 46% và 16%, kéo theo thời gian sản xuất chung giảm 35%. Kết quả của việc triển khai hệ thống được thể hiện rõ ràng hơn khi so sánh với toàn bộ ngành sản xuất. Trong khi doanh thu của ngành sản xuất chỉ tăng 3,8% từ năm 2013 đến năm 2015, doanh số của 2.777 doanh nghiệp triển khai nhà máy thông minh trong năm 2014 đã tăng 5,3%. Trong cùng thời kỳ, quy mô việc làm của các doanh nghiệp này cũng tăng 6%, cao gần gấp đôi so với quy mô toàn ngành. Điều này ngụ ý rằng hệ thống nhà máy thông minh đã có tác động đáng kể đến việc trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành sản xuất[7].

Hiện nay lĩnh vực nhà máy thông minh đang hoạt động rất sôi động trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc. Trước đây thị trường nhà máy thông minh dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc bị chi phối bởi các công ty châu Âu và Mỹ như Siemens, Rockwell Automation và GE Brilliant Factory (đều từng là các nhà cung cấp độc quyền các giải pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ). Tuy nhiên, do sự tăng trưởng đáng kể của thị trường, các giải pháp “tự trồng” của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang được tích cực phát triển và thương mại hóa cho cả thị trường trong nước và toàn cầu.

Mặc dù đã có một số thành công của các dự án nêu trên, nhưng các nhà máy thông minh ở Hàn Quốc bị cho là vẫn thiếu khả năng cạnh tranh so với các nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản. Nguyên nhân dẫn đến sự thua kém so với các quốc gia này phần lớn là do Hàn Quốc thiếu các công nghệ quan trọng để xây dựng một nhà máy thông minh. Khả năng cạnh tranh của các công nghệ quan trọng như công nghệ cơ bản liên quan đến nhà máy thông minh, công nghệ phần cứng và phần mềm chỉ bằng khoảng 70% các nước phát triển. Trong lĩnh vực thiết kế phần cứng và phần mềm robot công nghiệp, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 20%. Trong số 20.000 nhà máy đã hoàn thành triển khai nhà máy thông minh trong năm 2020, có đến 80% trong số đó thuộc mức cơ bản[8]. Mức cơ bản có nghĩa là chỉ một phần hoạt động của công ty được liên kết với hệ thống quản lý ngành (thường là hoạt động bán hàng, kiểm soát hàng tồn kho và kế toán). 18% thuộc cấp “trung bình 1” là các công ty có thể liên kết một phần với hệ thống quản lý ngành và chỉ 2% thuộc cấp “trung bình 2” nơi mà các công ty có thể liên kết với hệ thống quản lý ngành theo thời gian thực. Hàn Quốc hiện nay vẫn chưa có nhà máy ở cấp độ tinh vi do các vấn đề thiếu hụt công nghệ[9]. Xét về quy mô, hầu hết các doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy thông minh đều thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy tắc phân loại của Hàn Quốc (có doanh thu dưới 10 triệu USD hoặc dưới 100 nhân viên). Xét về số lượng, hiện tại vẫn có đến 66,7% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc không sử dụng bất kỳ công nghệ thông tin nào vào hoạt động sản xuất của họ. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành sản xuất cơ bản như hàn và đúc (chiếm khoảng 99,6% tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hàn Quốc) thiếu đáng kể các công nghệ liên quan và rất cần được đổi mới.

2.2. Tự động hóa bằng robot

Có thể nói điểm mạnh chính của ngành sản xuất Hàn Quốc là khả năng cạnh tranh về giá hơn là khả năng cạnh tranh về công nghệ. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất của Hàn Quốc thường bị cạnh tranh gay gắt và dễ bị tổn thương với những những thay đổi đa dạng của nền kinh tế toàn cầu. Các vấn đề về năng lượng/môi trường, già hóa dân số và sự thay đổi cơ cấu trong môi trường thương mại toàn cầu cũng là những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất của Hàn Quốc. Trong một cuộc khảo sát do Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) thực hiện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành sản xuất ở Hàn Quốc đã trả lời rằng phát triển công nghệ, cải thiện môi trường làm việc và cải tiến quy trình sản xuất có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất[10]. Do đó có thể thấy rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần một giải pháp cho những vấn đề này.

Các quốc gia phải đối mặt với các vấn đề tương tự như Mỹ, Đức và Pháp đang sử dụng tự động hóa bằng robot để khắc phục những vấn đề nêu trên. Mỹ đã công bố “Hiệp định Đối tác sản xuất tiên tiến 2.0” và đang phát triển và tài trợ cho việc sử dụng robot kết hợp với người lao động. Đức đã phát triển “Hệ thống làm việc robot cho doanh nghiệp vừa nhà nhỏ” như một phần của dự án “Industries 4.0” của họ. Pháp đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách sử dụng robot như một phần của dự án và đang tài trợ tới 10% chi phí cần thiết cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để triển khai robot vào dây chuyền sản xuất.

Trong khi đó ở cùng thời gian Hàn Quốc vẫn còn thiếu các hệ thống tự động hóa bằng robot trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành sản xuất. Dù rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc đã đẩy mạnh sử dụng tự động hóa bằng robot do sự gia tăng về nhu cầu của các công ty lớn (sản xuất điện thoại thông minh, phụ kiện ô tô). Tuy nhiên chỉ 5% trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ này thực sự sử dụng robot vào quá trình tự động hóa sản xuất. Các vấn đề chính cản trở các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc triển khai sử dụng robot chủ yếu liên quan đến chi phí, thiếu robot có các chức năng cần thiết, thiếu lao động có kiến thức chuyên môn vận hành robot và sự không chắc chắn về tác dụng của việc sử dụng robot.

Như vậy để khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng tự động hóa bằng robot Hàn Quốc sẽ cần phát triển các robot giá rẻ với các chức năng được tối ưu hóa cho sản xuất quy mô vừa và nhỏ. Theo đó, từ năm 2002 Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất các chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp chế tạo robot. Chính phủ đã chỉ định công nghệ robot là động lực tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế và thiết lập tầm nhìn và chiến lược phát triển của ngành công nghiệp robot. Từ năm 2008 đến năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập luật đặc biệt cho ngành công nghiệp robot để tạo cơ sở cho sự phát triển của robot công nghiệp. Quá trình phát triển được đẩy nhanh với việc thực hiện các kế hoạch cơ bản thứ nhất và thứ hai về nghiên cứu robot. Kế hoạch cơ bản đầu tiên nghiên cứu robot được thực hiện từ năm 2009 đến năm 2013 với mục tiêu tạo ra cơ sở hạ tầng có hệ thống, phát triển sản phẩm và phân phối các sản phẩm này. Kế hoạch cơ bản thứ 2, từ năm 2014 đến năm 2018, hướng đến mục tiêu cải tiến hơn nữa công nghệ robot và áp dụng tự động hóa bằng cách sử dụng robot vào các ngành sản xuất và dịch vụ khác.

KIRIA sau đó được thành lập vào năm 2010 như một phần của chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp robot[11]. KIRIA  có nhiệm vụ  hướng dẫn một cách hiệu quả nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp robot và phát triển các chính sách liên quan. Một nhiệm vụ chính khác của KIRIA là hỗ trợ việc ứng dụng robot vào quy trình sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để làm được điều này, KIRIA đã tích cực thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành sản xuất với các nhà sản xuất robot trong nước, giúp nhà sản xuất có thể cung cấp robot thích hợp sau khi cân nhắc yêu cầu, chi phí mua - vận hành robot của các doanh nghiệp[12].

KIRIA cũng đề xuất một quy trình nhất quán để lựa chọn doanh nghiệp vừa và nhỏ phù hợp cho các dự án hỗ trợ thúc đẩy tự động hoá (giống như KOSF đã làm). Đầu tiên, KIRIA tuyển dụng các công ty có nhu cầu cần cải tiến quy trình sản xuất và các nhà cung cấp robot và kết nối họ với nhau. Tiếp theo, nhà cung cấp robot thiết kế một quy trình sử dụng robot tự động chuyên dụng cho công ty có nhu cầu. Sau đó, nhà cung cấp robot lắp đặt hệ thống robot và cung cấp kiến ​​thức về vận hành. Cuối cùng, hệ thống tự động được vận hành hoàn toàn bởi công ty có nhu cầu và nhà cung cấp robot liên tục cung cấp dịch vụ bảo trì. Dự án này đã giúp 11 doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận được hỗ trợ 2,5 triệu USD để ứng dụng robot vào sản xuất trong khoảng thời gian từ tháng 5 năm 2016 đến tháng 4 năm 2017. Nhìn chung 11 công ty này có mức tăng năng suất 55%, tỷ lệ lỗi giảm 5,65%, giảm chi phí 56,8% và tỷ lệ giao hàng đúng hạn được cải thiện 6,6%.

Ngoài việc trực tiếp tham gia lắp đặt hệ thống tự động hóa robot, KIRIA cũng đang triển khai các dự án phát triển nguồn nhân lực có kiến ​​thức về robot. Một dự án bồi dưỡng nguồn nhân lực sáng tạo và chuyên nghiệp trong lĩnh vực robot đang được thực hiện với sự liên kết với các ngành công nghiệp. Dự án đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có khả năng lập kế hoạch, phát triển và quản lý các sản phẩm mới dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ robot với các công nghệ khác. Theo dự án, các công ty sẽ đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu cho cơ quan đào tạo và tham gia vào việc phát triển chương trình giảng dạy. Cơ quan đào tạo sẽ hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo kiến thức phù hợp để sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng ngay. Dự án này hướng đến các chương trình đào tạo thạc sĩ, từ đó 838 nhân lực đã được đào tạo bài bản; 596 học viên tốt nghiệp, trong đó 404 người có việc làm liên quan đến công nghệ robot. Một dự án khác là đào tạo nhân lực hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ có thể ứng dụng robot trong công việc. Dự án này là một trong những kế hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Thông qua chương trình này, KIRIA hy vọng sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo sẽ truyền bá kiến ​​thức vào các công ty mà họ làm việc.

Như đã chỉ ra từ các ví dụ của KIRIA, việc triển khai robot trong sản xuất ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có những tác động đáng kể. Ngoài kết quả dễ đo lường nhất là sự tăng năng suất và giảm chi phí, ngoài ra các công ty phát triển robot cũng có được môi trường thực tế để thử nghiệm robot mới của họ, từ đó cắt giảm các chi phí liên quan. Những doanh nghiệp đang phải đối phó với sự thiếu hụt lao động cũng có thể giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng robot. Việc sử dụng robot cũng giúp thu hút lao động chất lượng cao vì chúng có thể mang lại môi trường làm việc tốt hơn. Như vậy, có thể thấy sự lan tỏa của tự động hóa robot trong các ngành công nghiệp của Hàn Quốc được củng cố bởi các kế hoạch tổng thể, nhờ đó robot đang dần mở rộng ứng dụng từ ngành công nghiệp sản xuất sang các ngành dịch vụ (ví dụ: robot được ứng dụng trong các dịch vụ y tế, giáo dục…).

Hiện nay mặc dù Hàn Quốc không có số lượng robot công nghiệp được sử dụng vào quá trình tự động hóa cao nhất nhưng Hàn Quốc cho thấy mật độ ứng dụng robot cao nhất trong ngành sản xuất. Mật độ robot trung bình trên toàn cầu là khoảng 74 robot công nghiệp/10.000 lao động. Hàn Quốc ghi nhận khoảng 631 robot/10.000 lao động vào năm 2016 - tăng gấp đôi kể từ năm 2010[13], cao hơn nhiều so với Singapore, quốc gia đứng thứ hai về mật độ robot công nghiệp. Nếu chỉ xét đến ngành công nghiệp ô tô, Hàn Quốc thậm chí còn gây ấn tượng hơn với 2.145 robot/10.000 lao động[14]. Tuy nhiên hầu hết các robot được sử dụng trong tự động hóa ngành công nghiệp ô tô đều tập trung vào một vài công ty lớn, trong khi đó khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ tỷ lệ sử dụng robot vẫn ở mức thấp. Do đó, Hàn Quốc cần có nhiều chính sách giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp ô tô để triển khai hệ thống tự động hóa robot vào dây chuyền sản xuất của họ.

3. Một số đánh giá và hàm ý chính sách cho Việt Nam

3.1. Nhận xét đánh giá

Mặc dù các dự án thúc đẩy sản xuất thông minh do KOSF và KIRIA đang thực hiện có vẻ thành công nhưng các dự án này cũng vấp phải chỉ trích từ giới chính sách và học thuật.

Đầu tiên, việc cải thiện năng suất bằng cách áp dụng các nhà máy thông minh và tự động hóa bằng robot là khía cạnh duy nhất đang được Hàn Quốc nhấn mạnh. Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc định nghĩa nhà máy thông minh bao gồm hai đặc điểm chính là “hoàn thiện hoạt động sản xuất” và “sản xuất phục vụ nhu cầu cá nhân hóa”, song các dự án của KOSF và KIRIA hiện nay chỉ tập trung vào việc nâng cao năng suất (hoàn thiện hoạt động sản xuất). Kết quả là dù năng suất có tăng lên nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đang gặp khó khăn trong việc sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu cá nhân hóa.

Thứ hai, các dự án của KOSF và KIRIA chỉ tập trung vào việc khuếch tán các hệ thống sản xuất thông minh và tăng số lượng các nhà máy ứng dụng sản xuất thông minh chứ không quan tâm đến việc phát triển và cải tiến các nhà máy thông minh hiện có. Theo thông tin từ KOSF, có đến 80% nhà máy thông minh chỉ dừng lại ở mức cơ bản, trong khi đó số lượng nhà máy có cấp độ sản xuất thông minh cao hơn lại không có sự thay đổi về số lượng. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc thậm chí còn gặp khó khăn trong việc triển khai các hệ thống nhà máy thông minh cấp độ cơ bản.

Cuối cùng, hệ thống sản xuất thông minh của Hàn Quốc đang thiếu khả năng cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh của sản xuất thông minh Hàn Quốc được đánh giá là 83,4 (Mỹ được giả định có năng lực cạnh tranh ở mức 100)[15]. Ngoài ra, hầu hết các nhà cung cấp trong lĩnh vực sản xuất thông minh của Hàn Quốc không đủ năng lực lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống mà phải sử dụng kèm các linh khiện nhập khẩu. Vì những lý do này, để triển khai sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì sự hỗ trợ từ các công ty hoặc viện nghiên cứu khoa học là rất cần thiết. Để phát triển các hệ thống sản xuất thông minh tiên tiến, đồng thời tăng số lượng ứng dụng sản xuất thông minh hơn nữa thì Chính phủ Hàn Quốc nên tập trung hỗ trợ sự phát triển của các nhà cung cấp.

3.2. Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Những năm gần đây Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành sản xuất để đạt được khả năng cạnh tranh, tuy nhiên chuyển đổi số ở phần lớn doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam vẫn hạn chế và chưa thực sự sẵn sàng do còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, “Quan hệ đối tác sản xuất tiên tiến” ở Mỹ, “Industrie 4.0” ở Đức và “Đổi mới sản xuất 3.0” ở Hàn Quốc đang cho thấy sự tiến bộ trong việc ứng dụng sản xuất thông minh. Đặc biệt là Hàn Quốc, quốc gia hiện là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, đang chia chiến lược sản xuất thông minh thành hai hướng: nhà máy thông minh và tự động hóa bằng robot để thực hiện một cách hiệu quả. Qua nghiên cứu quá trình ứng dụng sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc có thể rút ra một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần thiết lập cơ chế, môi trường chính sách thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, và hỗ trợ và phát triển năng lực toàn diện cho các doanh nghiệp phát triển nguồn lực số và hình thành các nguồn tài nguyên, hạ tầng số dùng chung, đầu tư phát triển hạ tầng và công cụ, giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, tỉ lệ ứng dụng sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc triển khai hệ thống sản xuất thông minh yêu cầu các chi phí liên quan đến lắp đặt rất cao, do đó sự giúp đỡ của chính phủ là rất cần thiết. Vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam ngày càng quan tâm đến các giải pháp của sản xuất thông minh nên nếu chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ này, sản xuất thông minh sẽ lan tỏa đủ nhanh trong ngành.

Thứ ba, cần thành lập các tổ chức chính phủ liên quan trong việc thúc đẩy ứng dụng sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp. Trong trường hợp của Hàn Quốc, Hiệp hội Nhà máy Thông minh Hàn Quốc (KOSF) và Viện phát triển ngành công nghiệp robot của Hàn Quốc (KIRIA) đang dẫn đầu trong việc triển khai sản xuất thông minh. KOSF đang tập trung vào việc phổ biến các nhà máy thông minh và KIRIA đang hỗ trợ các công ty ứng dụng robot vào tự động hóa hệ thống sản xuất. Cả hai tổ chức đều có quy trình hỗ trợ cài đặt riêng và nhiều công ty khác nhau đang tham gia vào quá trình này. Như đã đề cập ở trên, tất cả các công ty nhận được sự hỗ trợ từ KOSF hoặc KIRIA đều đang cho thấy sự cải thiện về năng suất, doanh số và tất cả các chỉ số liên quan đến quản lý.

Cuối cùng, chiến lược sản xuất thông minh nên được cụ thể hóa thành nhiều luồng để triển khai hiệu quả. Hàn Quốc đã chia hệ thống sản xuất thông minh thành lĩnh vực nhà máy thông minh và lĩnh vực tự động hóa bằng cách sử dụng robot. Các nhà máy thông minh và tự động hóa bằng robot có thể tương tự nhau, nhưng chắc chắn có sự khác biệt. Các nhà máy thông minh liên quan đến các giải pháp và phần mềm, giúp quản lý quá trình sản xuất, thay thế vai trò của người quản lý hoặc hỗ trợ ra quyết định. Mặt khác, tự động hóa robot liên quan đến việc tự động hóa quy trình sản xuất. Thông qua việc phân chia sản xuất thông minh thành hai lĩnh vực riêng biệt, Hàn Quốc đang thực hiện chiến lược của họ một cách hiệu quả.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “Executive Summary World Robotics 2017 Industrial Robots”, International Federation of Robotics, https://ifr.org/ downloads/press/Executive_Summary_WR_2017_Industrial_Robots.pdf.

2. Fortune Business Insights (2022), Market Research Reports, FBI100360.

3. Jang Seob Yoon (2022), Revenue of the Robot Industry South Korea 2016-2020, Statista.

4. Jinkeun Yu(2018), Korea Smart Factory Initiative Colloquium on Digital Industrial Policy Programme (12 Nov. 2018)

5. Klaus Prettner (2017). Automation and Demographic Change. Number 310 – April 2017. https://www.econstor.eu/bitstream/10419/ 157381/1/885256824.pdf

6. Myung Oh, James F. Larson (2021), Digital Development in Korea Lessons for a Sustainable World, ISBN 9781032091389. Routledge.

7. Sameer Mittal, Muztoba Ahmad Khan (2019), “A Smart Manufacturing Adoption Framework for SMEs”, International Journal of Production Research, September 2019.

8. SARIO (2016a), “Automotive Industry,” accessed January 3, 2018, http://www.sario. sk/sites/default/files/content/files/automotive_ industry_0.pdf.

9. SARIO (2016b), “Automotive Sector in Slovakia”, http://www.sario.sk/sites/default/ files/content/files/sario-automotive-sector-inslovakia-2016-web.pdf.

10. S. D. Noh, “Current Issues in Cyber Physical System and Smart Factory Technologies”, Journal of the Institute of Electronics and Information Engineers, 362-365.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Sameer Mittal, Muztoba Ahmad Khan (2019), “A Smart Manufacturing Adoption Framework for SMEs”, International Journal of Production Research, September 2019.

[3] Lasi, H., Fettke, P., Feld, T., & Hoffmann, M. (2015), Industry 4.0, Business and Information Systems Engineering, 4, 239-242; Mario H., Tobias P., & Boris O. (2016), Design Principles for Industrie 4.0 Scenarios, 2016, 49th Hawaii International Conference on System Sciences (HICSS).

[4] Lim, J. W., Jo, D. H., Lee, S. Y., Park, H. J., & Park, J. W. (2017), “A Case Study for the Smart Factory Application in the Manufacturing Industry”, Korea Journal of Business Administration, 30(9), 1609-1630.

[5] H. S. Kang, J. Y. Lee, S. Choi1, H. Kim, J. H. Park, J. Y. Son, B. H. Kim, and S. D. Noh (2016), “Smart Manufacturing: Past Research Present Findings, and Future Directions”, International Journal of Precision Engineering and Manufacturing-Green Technology, 3(1): 111-128).

[6] S. D. Noh, “Current Issues in Cyber Physical System and Smart Factory Technologies”, Journal of the Institute of Electronics and Information Engineers, 362-365.

[7] Hyeon Ju (2022), Smart Factory Policies and SMEs’ Productivity in Korea, KIET Occasional Paper No. 111.

[8] Minjae Ko, Chul Kim (2020), “An Assessment of Smart Factories in Korea: An Exploratory Empirical Investigation”, Applied Sciences 10(21): 7486.

[9] Young-Hwan Choi, Sang-Hyun Choi (2019), “Comparative Study of Crossing the Chasm in Applying Smart Factory System for SMEs”, International Journal of Innovative Technology and Exploring Engineering (IJITEE) ISSN: 2278-3075, Volume-8 Issue-8S2, June 2019.

[10] Annual Report 2016, ASEM SMEs Eco-Innovation Center.

[11] Myung Oh, James F. Larson (2021), Digital Development in Korea Lessons for a Sustainable World, ISBN 9781032091389, Routledge.

[12] Juyoung Yoo (2014), “Results and outlooks of robot education in Republic of Korea”, Procedia - Social and Behavioral Sciences 176 ( 2015), 251 – 254.

[13] Klaus Prettner (2017), “Automation and Demographic Change”, SSRN Electronic Journal.

[14] “Executive Summary World Robotics 2017 Industrial Robots”, International Federation of Robotics https://ifr.org/downloads/press/Executive_Summary_WR_2017_Industrial_Robots.pdf.

[15] Institute for Information & communication Technology Promotion, Korea (IITP).

0thảo luận