Trang chủ

Hợp tác an ninh phi truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc trong đại dịch COVID-19

Đăng ngày: 14-06-2024, 11:23 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 10

Trần Thị Thắm1


Tóm tắt: Thuật ngữ “an ninh phi truyền thống” xuất hiện vào cuối những năm 1970 đầu những năm 1980 đã mở rộng nội hàm khái niệm an ninh. Năm 2020, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 một lần nữa buộc các quốc gia phải tăng cường quan tâm, nghiên cứu, xây dựng chính sách đối với vấn đề an ninh phi truyền thống nhằm ứng phó với đại dịch và những thách thức mới xuất hiện vào giai đoạn hậu COVID-19. Bài viết làm rõ một số nội dung cơ bản về an ninh phi truyền thống, khái quát và phân tích hoạt động hợp tác trong một số lĩnh vực an ninh phi truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc trước và trong đại dịch, từ đó đưa ra đánh giá về sự hợp tác này.

Từ khóa: Trung Quốc, Việt Nam, an ninh phi truyền thống, COVID-19

 

1. An ninh phi truyền thống là gì? [1]

Thế giới trải qua hai cuộc đại chiến và vô số các cuộc chiến tranh với khái niệm an ninh chỉ dừng lại ở giới hạn quốc gia, là sự bảo vệ một quốc gia tránh khỏi sự xâm lược lãnh thổ của quốc gia khác. Đến năm 1986, khái niệm an ninh đã được định nghĩa lại, nội hàm của khái niệm này không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc bảo vệ đất nước trước sự tấn công lãnh thổ, mà được mở rộng hơn. Được giới nghiên cứu coi như “cha đẻ” của khái niệm an ninh phi truyền thống, Richard H. Ullman cho rằng an ninh quốc gia không chỉ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố quân sự mà còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố phi quân sự. Đó là một hành động hoặc một chuỗi các sự kiện, hành động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Những hành động này đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, người dân hoặc quốc gia đó trong thời gian ngắn, hoặc hạn chế sự lựa chọn chính sách có sẵn của chính phủ hoặc một cá nhân. Ngoài ra, những sự kiện được coi là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người dân và quốc gia có thể được hiểu là sự quấy nhiễu và phá hoại đến từ các cuộc chiến tranh từ bên ngoài và các cuộc nổi loạn từ bên trong như các cuộc nổi loạn, tấn công khủng bố; hay những thảm họa thiên nhiên tàn khốc như thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán[2]… Barry Buzan trong quá trình nghiên cứu đã chia an ninh thành 5 vấn đề khác nhau gồm kinh tế, môi trường, xã hội, quân sự và chính trị. Ông cho rằng, đối tượng của an ninh gồm có thể chế quốc tế, thể chế dưới quốc tế, đơn nguyên, dưới đơn nguyên[3].

Cùng với sự phát triển trong nghiên cứu an ninh phi truyền thống của giới nghiên cứu phương Tây, giới nghiên cứu Trung Quốc cũng đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về an ninh phi truyền thống. Là một trong những nhà nghiên cứu đi đầu trong nghiên cứu an ninh phi truyền thống của Trung Quốc, Từ Tiêu Phong cho rằng, an ninh phi truyền thống là một khái niệm mang tính động thái, có thể được dùng chung với khái niệm an ninh toàn cầu và là những nguy cơ tồn tại trong những lĩnh vực ngoài lĩnh vực quân sự, chính trị, như kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, sinh thái, thông tin[4]. Lục Trung Vỹ nhận định mối đe dọa đến an ninh phi truyền thống là do những nguyên tố phi chính trị và phi quân sự tạo nên, uy hiếp trực tiếp đến sự phát triển, ổn định, an toàn của quốc gia và nước khác, khu vực và toàn cầu[5]. Bên cạnh đó, giới nghiên cứu Việt Nam cũng đã đưa ra nhận định về an ninh phi truyền thống. PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng cho rằng, an ninh phi truyền thống bổ trợ cho an ninh truyền thống, hai khái niệm này không hề đối lập mà còn bổ sung cho nhau. Hay nói cách khác, chính là khi an ninh quốc gia được đảm bảo thì an ninh con người được đảm bảo và ngược lại[6]. PGS. TS. Lê Văn Cương nhận định, lĩnh vực an ninh phi truyền thống bao gồm những nhân tố phi quân sự như: chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa khủng bố, an ninh tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh khoa học kỹ thuật, hiệu ứng nhà kính với sự nóng lên của trái đất, ma túy, dịch bệnh truyền nhiễm, tội phạm xuyên quốc gia[7]

Mặc dù giới khoa học đều đã đưa ra những quan điểm riêng về an ninh phi truyền thống, nhưng có thể thấy an ninh phi truyền thống là khái niệm mở rộng của an ninh truyền thống - an ninh quân sự. Dù phân tích từ góc độ nào thì an ninh phi truyền thống cũng xoay quanh những vấn đề liên quan đến an ninh con người. Những vấn đề này có thể phát sinh từ trong hoặc ngoài lãnh thổ quốc gia và vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, trở thành những nguy cơ đe dọa nhiều quốc gia, khu vực, thậm chí là trở thành vấn đề quốc tế. Có thể phân chia an ninh phi truyền thống thành 5 nhóm: (i) vấn đề an ninh liên quan đến phát triển bền vững, gồm: an ninh môi trường, sử dụng tài nguyên, sinh thái toàn cầu, phòng ngừa bệnh truyền nhiễm; (ii) vấn đề an ninh xuất hiện khi một xã hội, quốc gia mất kiểm soát, đe dọa đến trật tự khu vực và quốc tế, như: an ninh kinh tế, an sinh xã hội, quyền con người và người tị nạn; (iii) tội phạm xuyên quốc gia như buôn người, buôn bán ma túy; (iv) tổ chức công kích trật tự khu vực và quốc tế, như chủ nghĩa khủng bố; (v) vấn đề an ninh gây ra bởi phát triển công nghệ và toàn cầu hóa, như an ninh mạng, an ninh thông tin và an ninh kỹ thuật di truyền[8].

2. Hợp tác an ninh phi truyền thống Việt - Trung trước khi dịch COVID-19 bùng phát

Vấn đề an ninh phi truyền thống đã sớm được chính phủ hai nước Việt - Trung chú trọng. Năm 2000, tại Hội nghị Diễn đàn khu vực Đông Nam Á lần thứ 7, đại diện phía Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao đương thời Đường Gia Tuyền lần đầu tiên đã nhắc đến khái niệm an ninh phi truyền thống. Năm 2002, Trung Quốc đã đưa an ninh phi truyền thống vào nhiệm vụ quốc phòng trong sách trắng quốc phòng nước này[9].

Ở Việt Nam, tuy thuật ngữ an ninh phi truyền thống mới được nhắc đến, nhưng năm 1998, trong Nghị quyết số 08/NQ-TW do Bộ Chính trị ban hành về an ninh quốc gia đã có nội dung về an ninh phi truyền thống. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trong phần dự báo tình hình thế giới và trong nước, đã chính thức khẳng định nội hàm của an ninh phi truyền thống là những thách thức về “tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điện tử, viễn thông, sinh học, môi trường...”[10], những thách thức này được bổ sung trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng[11]. Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XII chỉ rõ phải kết hợp chặt chẽ “an ninh với quốc phòng, an ninh với kinh tế, an ninh với văn hóa...”[12], nội hàm an ninh phi truyền thống ngày càng được củng cố. Sự gia tăng hợp tác kinh tế, sự phát triển nhảy vọt của khoa học công nghệ, toàn cầu hóa đem lại những thách thức mới cho an ninh khu vực và toàn cầu. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia, cùng chung tay bảo vệ an ninh, hòa bình khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã và đang có những hợp tác nhất định trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống nhằm gìn giữ sự ổn định trật tự khu vực và thế giới.

2.1. Hợp tác trong an ninh nguồn nước

Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành triển khai một số hoạt động hợp tác trong khu vực sông Mê Kông (hay sông Lan Thương, Trung Quốc). Đây là con sông cung cấp nguồn nước chính cho hơn 60 triệu người thuộc hơn 100 dân tộc khác nhau, tạo nên sự phong phú đa dạng về văn hóa trong khu vực, và hơn 85% dân số phụ thuộc trực tiếp vào nguồn nước từ dòng sông này[13]. Vì vậy, bảo vệ an ninh nguồn nước lưu vực sông Mê Kông là vô cùng cần thiết. Nhận thức được điều đó, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc không ngừng tích cực tăng cường hợp tác bảo vệ nguồn nước khu vực sông Mê Kông. Trong đó, không thể không kể tới sự ra đời của Hợp tác tài nguyên nước Lan Thương - Mê Kông. Đây là cầu nối quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và Ủy hội Mê Kông (Mekong River Cooperation, MRC) mà Việt Nam là thành viên. Từ năm 2002, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận chia sẻ dữ liệu thủy văn cùng MRC trong các tháng có lũ (tháng 6 - tháng 10). Hợp tác giữa Trung Quốc và MRC càng được gắn kết hơn sau khi Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết Trung Quốc sẽ chia sẻ dữ liệu thủy văn vùng thượng nguồn sông Mê Kông của tất cả các tháng trong Hội nghị cấp cao Hợp tác Mê Kông - Lan Thương hồi tháng 8 năm 2020, đồng thời đã đưa vào sử dụng trang web chia sẻ thông tin tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương[14]. Kể từ khi được thành lập, cơ chế hợp tác Mê Kông - Lan Thương đã phát huy tác dụng đáng kể trong hợp tác an ninh nguồn nước của hai nước, song chủ yếu vẫn là hợp tác phát triển kinh tế, còn vấn đề an ninh nguồn nước vẫn chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt vấn đề xây dựng trạm thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông vẫn còn nhiều tranh cãi.

2.2. Hợp tác an ninh biển

Bên cạnh hợp tác về an ninh nguồn nước, Việt Nam và Trung Quốc còn xây dựng các cơ chế hợp tác về an ninh trên biển. Năm 2000, Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ đã được hai nước ký kết. Đây là tiền đề quan trọng cho hợp tác an ninh biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ đó hai bên đã thiết lập được ranh giới vịnh Bắc Bộ và vùng đánh bắt cá chung, cùng nhau hợp tác, khai thác tài nguyên khoáng sản trong vịnh[15]. Tiếp đó, năm 2013, Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và quản lý môi trường biển và hải đảo vịnh Bắc Bộ được ký kết, đưa quan hệ hợp tác an ninh biển Việt - Trung đi vào chiều sâu. Thỏa thuận quy định hai bên sẽ tiếp tục triển khai hợp tác nghiên cứu khoa học và quản lý môi trường biển trong khu vực vịnh Bắc Bộ, tăng cường tìm hiểu về môi trường hải phận và môi trường sinh thái vịnh Bắc Bộ, nâng cao trình độ quản lý môi trường biển, nhằm cung cấp số liệu kỹ thuật giúp ích cho công tác bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của vịnh Bắc Bộ. Hai bên sẽ thông qua nghiên cứu hợp tác, diễn đàn khoa học và nhiều phương thức giao lưu khác để tăng cường hợp tác, giao lưu về các biện pháp, bảo vệ môi trường biển, triển khai xây dựng khu thị phạm quản lý môi trường, đồng thời phổ cập kiến thức bảo vệ môi trường của người dân và nâng cao ý thức môi trường biển của người dân, đặc biệt là môi trường và hệ sinh thái của vịnh Bắc Bộ[16].

2.3. Hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia

Ngoài hợp tác về an ninh nguồn nước, an ninh biển, chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc còn triển khai hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới đất liền, khu vực biên giới hai nước luôn là điểm nóng của các loại tội phạm, như tội phạm buôn lậu, buôn bán ma túy, buôn người, buôn bán tiền giả. Để đảm bảo trật tự an ninh xã hội khu vực biên giới cũng như an ninh trong nước, hai nước đã triển khai nhiều cơ chế hợp tác chặt chẽ từ cấp bộ đến địa phương, trong đó có cơ chế hợp tác quốc phòng 3 cấp, gồm: cấp bộ, cấp tỉnh, cấp đồn. Theo đó, các tỉnh khu vực biên giới định kỳ tổ chức các cuộc gặp gỡ, hội đàm trao đổi nghiệp vụ, các đồn biên phòng, trạm kiểm tra mỗi quý một lần, hoặc mỗi tháng một lần tổ chức gặp mặt, trao đổi các vấn đề xảy ra trên khu vực biên giới. Ngoài ra, Bộ Công an hai nước cũng thường xuyên tổ chức, mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công an hai nước về phòng, chống tội phạm xuyên biên giới[17]. Một trong những thành công của sự hợp tác này là Hội nghị hợp tác đấu tranh, phòng chống tội phạm giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc. Đến nay, hội nghị đã được tổ chức 7 lần, và tại Hội nghị lần thứ 7, các cơ quan chức năng của hai bộ đã ký kết thêm ba bản ghi nhớ về hợp tác chống tội phạm công nghệ cao, hợp tác chống tội phạm sử dụng mạng viễn thông, mạng internet; hợp tác quản lý di dân và xuất nhập cảnh[18].

Có thể thấy rằng, hợp tác an ninh phi truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam không phải là chủ đề mới, song làn sóng đại dịch COVID-19 hoành hành từ cuối năm 2019 đến nay lại một lần nữa thách thức an ninh hai nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của hai nước cũng như làm xáo trộn ổn định khu vực và toàn thế giới.

3. Hợp tác an ninh phi truyền thống Việt - Trung trong đại dịch COVID-19

Sự ảnh hưởng xuyên quốc gia của đại dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu cấp bách với các quốc gia trong việc tìm kiếm những cơ chế hợp tác, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của đại dịch đối với kinh tế, xã hội. Nhận thức được điều đó, Trung Quốc và Việt Nam đã có những cơ chế hợp tác thiết thực, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, và khôi phục kinh tế, xã hội. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, hai chính phủ đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp quản lý các hoạt động thương mại, xuất nhập cảnh và y tế nhằm vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

3.1. Hợp tác quản lý hoạt động thương mại

Khi dịch bệnh vừa bùng phát, Bộ Công thương Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng chính quyền các tỉnh, khu vực của Trung Quốc có đường biên giới chung với Việt Nam như tỉnh Vân Nam, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây... Trong đó, hai bên đã tiến hành thực hiện chính sách “Tài xế lái hộ” tại khu vực các cửa khẩu, giải quyết thông quan nhanh chóng cho các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước được thông suốt[19]. Để thúc đẩy việc thông quan diễn ra một cách thuận lợi, các hội nghị, cuộc họp nhóm công tác cũng đã được tổ chức. Tháng 9 năm 2021, Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ “Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2021-2025”, trên cơ sở đó đã thành lập Nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung. Đây là kênh kết nối thương mại quan trọng giữa hai nước trong thời kỳ dịch bệnh. Kể từ năm 2021 đến nay, nhóm công tác đã triển khai 4 kỳ họp, có nhiều sáng kiến, xây dựng các kênh liên lạc giữa hai bộ, qua đó thúc đẩy hiệu suất thông quan hàng hóa. Sau một năm tổ chức thành công kỳ họp Nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung, kỳ họp Cơ chế liên hợp giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới Việt - Trung và hợp tác phòng, chống dịch cũng đã được tổ chức. Tính đến nay đã tổ chức được 3 kỳ họp. Trong suốt 3 năm qua, đây là hai cơ chế hợp tác chủ yếu của hai bộ nhằm đảm bảo giao thương hàng hóa giữa hai nước và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2020 đến nay, với nỗ lực của chính phủ hai bên, tình hình thương mại hai nước cũng đã có những dấu hiệu tích cực. Tính đến hết năm 2020, GDP của Việt Nam và Trung Quốc vẫn giữ ở mức tăng trưởng dương. Hoạt động xuất nhập khẩu có sự tăng trưởng nhất định. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt khoảng 166 tỉ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ[20].

3.2. Hợp tác trong quản lý xuất nhập cảnh

Từ khi đại dịch bùng phát, hoạt động xuất nhập cảnh đã bị hạn chế rất nhiều. Tháng 3 năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đồng loạt công bố tạm ngừng nhập cảnh và cấp mới visa cho du khách nước ngoài (trừ những trường hợp được cho phép). Song chính phủ hai bên trên cơ sở tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch cũng tạo điều kiện cho các chuyên gia, lao động công nghệ cao sang làm việc, quản lý xuất nhập cảnh được chú trọng. Trên nguyên tắc hợp tác ba tầng, bộ đội biên phòng Trung Quốc và Việt Nam đã triển khai các biện pháp và hành động nhằm quản lý chặt chẽ dịch bệnh lây lan, hai bên đã trao trả một loạt tội phạm vượt biên. Ngoài ra, các đồn biên phòng của các tỉnh khu vực biên giới hai nước cũng thường xuyên tổ chức các cuộc điện đàm, hội đàm, gặp gỡ trên khu vực biên giới, tiến hành trao đổi thư, công hàm, các cuộc điện thoại qua đường dây nóng, nhanh chóng, kịp thời liên lạc giải quyết vấn đề phát sinh đột xuất.

3.3. Hợp tác về y tế

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của hai nước Việt - Trung. Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong phòng, chống dịch bệnh là một biện pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Đại dịch bùng phát nhanh, quy mô lớn đã khiến Trung Quốc đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt trang thiết bị, vật tư y tế. Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng viện trợ cho Trung Quốc những vật tư y tế thiết yếu, trị giá khoảng 500 nghìn USD[21]. Ngược lại, khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam diễn biến phức tạp, Chính phủ Trung Quốc cũng đã tích cực hỗ trợ cho Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề vaccine. Chính phủ Trung Quốc đã viện trợ tổng cộng 4 đợt vaccine COVID-19 và thiết bị y tế cho Việt Nam, với 7,3 triệu liều vaccine[22]. Bộ Y tế Việt Nam cùng Ủy ban y tế Quốc gia Trung Quốc đã tổ chức các hội đàm trực tiếp, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật y tế chuyên môn, nhất là trong xét nghiệm tầm soát diện rộng.

4. Hạn chế hợp tác an ninh phi truyền thống Việt - Trung trong đại dịch COVID-19

Trong bối cảnh phải chống chọi với đại dịch, hoạt động hợp tác an ninh phi truyền thống Việt - Trung trong ba năm qua đã mang lại những kết quả tích cực cho hai nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hợp tác an ninh phi truyền thống giữa hai nước vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định.

4.1. Quy mô hợp tác còn hạn chế

Hợp tác an ninh phi truyền thống Việt - Trung trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 mới chỉ dừng lại ở ba lĩnh vực chính là thương mại, quản lý xuất nhập cảnh và hợp tác y tế, và chủ yếu tập trung ở lĩnh vực kinh tế thương mại. Với quy mô kinh tế đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 54 tỷ USD[23]. Đồng thời, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn của một số mặt hàng Việt Nam, ví dụ như nông sản, thủy hải sản. Vì vậy việc ưu tiên hợp tác thương mại là cần thiết trong đại dịch. Bên cạnh đó, hai nước cũng cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khác như giao lưu con người. Dưới tác động của đại dịch và chính sách kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ của Trung Quốc, các chuyến bay và lượng người được phép nhập cảnh vào lãnh thổ Trung Quốc vẫn đang rất hạn chế. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho giao lưu xuyên biên giới, đặc biệt là đối với du học sinh Việt Nam học tập tại Trung Quốc. Trong khi hiện nay, Việt Nam đã cho phép người nước ngoài nhập cảnh thì Trung Quốc vẫn đang kiểm soát chặt đối tượng nhập cảnh, trong đó một lượng lớn du học sinh vẫn chưa thể quay trở lại Trung Quốc để học tập sau hơn hai năm học online. Hiện một số trường đã gửi thư đồng ý cho du học sinh quay lại, song phía Bộ Giáo dục Trung Quốc và Đại sứ quán vẫn chưa có sự nhất quán trong cấp visa X (visa du học) cho du học sinh. Ngoài ra nếu được quay trở lại trường vào thời điểm hiện tại thì chi phí mua vé máy bay, chi phí cách ly đắt đỏ cũng đang là một vấn đề gây ra nhiều khó khăn cho du học sinh.

4.2. Cơ chế hợp tác chưa đi vào chiều sâu

Đã có khá nhiều cơ chế hợp tác được triển khai trong đại dịch COVID-19 nhưng những cơ chế hợp tác này vẫn chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt trong hợp tác y tế - lĩnh vực mang tính quyết định trong kiểm soát đại dịch. Trung Quốc là một trong những quốc gia có nhiều kinh nghiệm chữa trị COVID-19. Mặc dù hai nước đã nỗ lực hợp tác, Trung Quốc đã viện trợ vaccine COVID-19 cho Việt Nam nhưng hai bên vẫn chưa có sự hợp tác rõ rệt về mặt chuyên môn, cơ chế hợp tác chỉ dừng lại ở mức các đợt viện trợ, hội đàm, trao đổi giữa các bộ của hai nước. Trong khi đó, chính sách ngoại giao đa phương mang về cho Việt Nam nguồn viện trợ vaccine lớn đến từ Mỹ và các nước châu Âu, đặc biệt là Mỹ. Tính đến nay, Mỹ đã viện trợ khoảng 40 triệu liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam[24]. Nguồn vaccine này đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, bước sang trạng thái bình thường mới hiện tại. Khi thế giới còn nghi ngờ về tính an toàn của vaccine do Trung Quốc sản xuất, thì lựa chọn nhận viện trợ vaccine của Mỹ là đúng đắn.

4.3. Hợp tác bị chi phối bởi một phía

Mặc dù nói hợp tác là nhằm mục đích để hai bên đều có lợi, nhưng vẫn có sự chi phối bởi một bên, cụ thể đó là Trung Quốc. Trung Quốc vốn là nước lớn, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Trong quá trình đàm phán hợp tác, Việt Nam vẫn ở trong trạng thái bị động, phụ thuộc vào hợp tác với Trung Quốc. Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc có thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn. Nhiều năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc rất nhiều.

Với chính sách “Zero covid” hiện tại, Trung Quốc hiện vẫn đang đi theo cách của riêng mình để vượt qua dịch bệnh. Đã có thời kỳ nước này kiểm soát chặt chẽ, thậm chí đóng các cửa khẩu tiếp giáp với Việt Nam nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, khiến lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới vô cùng khó khăn. Nhiều xe chở hàng hóa xuất khẩu như hoa quả, nông thủy sản của Việt Nam phải quay đầu tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, những tấm biển “giải cứu” nông sản mọc lên khắp nơi. Bên cạnh đó kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc còn gấp đôi kim ngạch xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu sản xuất của Việt Nam phần nhiều nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Mặc dù năm 2021 làn sóng dịch COVID-19 ở Việt Nam vô cùng nghiêm trọng nhưng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn đạt mức 109,87 tỷ USD[25], do đó có thể thấy sự phụ thuộc trong xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc vẫn là rất lớn.

Kết luận

Dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đây cũng như một tiếng chuông cảnh tỉnh cho mỗi quốc gia nói riêng và tất cả chính phủ các nước nói chung về việc quan tâm hơn vấn đề an ninh phi truyền thống, và cần các quốc gia cùng chung tay giải quyết vấn đề này. Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có những biện pháp, hợp tác giúp hai nước vượt qua đại dịch, song cũng còn một số hạn chế về phạm vi lĩnh vực, quy mô, và cơ chế hợp tác, đòi hỏi chỉnh phủ hai nước cần tiếp tục quan tâm giải quyết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.TS. Hồ Châu (2006), Mối đe dọa an ninh phi truyền thống và tác động của nó đến quan hệ quốc tế hiện nay, Báo cáo tổng hợp đề tài khoa học cấp bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

2. TS. Lê Văn Mỹ (2016), Trung Quốc trong hợp tác tiểu vùng sông Mê Kong mở rộng: Tác động và ảnh hưởng, Nxb Khoa khọc xã hội, Hà Nội.

3. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa (2018), Một số vấn đề an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới Việt-Trung, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Nguyễn Vũ Tùng (2008), “Tiếp cận thách thức an ninh phi truyền thống”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính tri thế gii, số 4 (144).

5. Lê Văn Cương (2008), “Tác động của nhân tố an ninh phi truyền thống đối với văn hóa và con người ở một số nước Đông Á”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 9.

6. 余潇枫 (2016),《非传统安全概论》,浙江人民出版社,第41页 (Từ Tiêu Phong (2016), Đại cương an ninh phi truyền thống, Nxb Nhân dân Triết Giang, tr. 41).

7. 陆忠伟主编 (2003),《非传统安全论》,时事 出版社, 北京,第18—21页 (Lục Trung Vĩ chủ biên (2003), Luận an ninh phi truyền thống, Nxb Sự thật, tr.18-21).

8. 朱峰 (2004),《“非传统安全”解析》,中国社会科学第4期 (Chu Phong (2004), “Phân tích an ninh phi truyền thống”, Khoa học xã hội Trung Quốc, số 4).

9. 张伟玉,陈哲,表娜俐 (2013),《中国非传统安全研究——兼与其他国家和地区比较》,国际政治科学,第2期 (Trương Vỹ Ngọc, Trần Triết, Biểu Na Lị (5/2013), “Nghiên cứu an ninh phi truyền thống Trung Quốc - so sánh với các quốc gia và khu vực khác”, Khoa học chính trị quốc tế, số 2).

10. Richard H.Ullman (Summer, 1983), International Security, Vol. 8, No. 1.

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Đại học Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc

[2] Richard H. Ullman (Summer, 1983), International Security, Vol. 8, No. 1, p. 133.

[3] 张伟玉,陈哲,表娜俐 (2013),《中国非传统安全研究——兼与其他国家和地区比较》,国际政治科学,第2期 (Trương Vỹ Ngọc, Trần Triết, Biểu Na Lị (5/2013), “Nghiên cứu an ninh phi truyền thống Trung Quốc - so sánh với các quốc gia và khu vực khác”, Khoa học chính trị quốc tế, số 2).

[4] 余潇枫 (2016),《非传统安全概论》,浙江人民出版社,第41页 (Từ Tiêu Phong (2016), Đại cương an ninh phi truyền thống, Nxb Nhân dân Chiết Giang, tr. 41).

[5] 陆忠伟 主编 (2003),《非传统安全论》,时事出版社, 北京,第18—21页 (Lục Trung Vĩ chủ biên (2003), Luận an ninh phi truyền thống, Nxb Sự thật, tr. 18-21).

[6] Nguyễn Vũ Tùng (2008), “Tiếp cận thách thức an ninh phi truyền thống”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính tri thế gii, số 4 (144).

[7] Lê Văn Cương (2008), “Tác động của nhân tố an ninh phi truyền thống đối với văn hóa và con người ở một số nước Đông Á”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 9

[8] 朱峰 (2004),《“非传统安全”解析》,中国社会科学,第4期 (Chu Phong (2004), “Phân tích an ninh phi truyền thống”, Khoa học xã hội Trung Quốc, số 4).

[9] 张伟玉,陈哲,表娜俐 (2013),《中国非传统安全研究——兼与其他国家和地区比较》,国际政治科学,第2期 (Trương Vỹ Ngọc, Trần Triết, Biểu Na Lị (5/2013), “Nghiên cứu an ninh phi truyền thống Trung Quốc - so sánh với các quốc gia và khu vực khác”, Khoa học chính trị quốc tế, số 2).

[10] Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam (24/09/2015), “Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam”, https://tulieuvankien.dang congsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xi-dang-cong-san-viet-nam-1524, truy cập ngày 9/8/2022.

[11] PGS.TS. Đặng Khắc Ánh (2/2021),Quản lý nhà nước trước thách thức an ninh phi truyền thống”, Tạp chí quản lý nhà nước, số 301, tr. 14-15.

[12] “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, http://phuong6govap.gov.vn/dang-bo/van-kien-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang, truy cập ngày 8/8/2022.

[13] TS. Lê Văn Mỹ (2016), Trung Quốc trong hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng: Tác động và ảnh hưởng, Nxb Khoa khọc xã hội, Hà Nội.

[14] 中华人民共和国中央人民政府网站 (2021/12/8),水利部:澜沧江—湄公河水资源合作进入“快车道”, (Website Chính phủ nhân dân Trung ương nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (8/12/2021), “Bộ Thủy lợi: Gia tăng hợp tác nguồn nước Lan Thương - Mê Kông”), http://www.gov.cn/xinwen/2021-12/08/content_ 5659229.htm, truy cập ngày 8/8/2022.

[15] Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng (1/2001), “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam - Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ”, Tạp chí Cộng sản, số 2, https://www.mofahcm.gov.vn/mofa/cs_ doingoai/cs/ns04081808401148.

[16] 中华人民共和国中央人民政府网站(2013/10/14)《国家海洋局:中越两国在海洋领域合作取得新突破》(Website Chính phủ nhân dân Trung ương nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (14/10/2013), “Cục Hải dương quốc gia: Hợp tác hải dương Việt - Trung đạt được đột phá mới”), http://www.gov.cn/gzdt/2013-10/14/content_ 2506549.htm, truy cập ngày 6/8/2022.

[17] TS. Nguyễn Thị Phương Hoa (2018), Một số vấn đề an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới Việt-Trung, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 219-227.

[18] Báo Điện tử Chính phủ, “Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc họp tác phòng, chống tội phạm”: https://baochinhphu.vn/bo-cong-an-viet-nam-va-bo-cong-an-trung-quoc-hop-tac-phong-chong-toi-pham-102287 946.htm, truy cập ngày 6/8/2022.

[19] TTXVN (22/03/2020), “Dịch COVID-19: Xuất nhập khẩu vẫn được ưu tiên cho phòng dịch”, https://ncov. vnanet.vn/tin-tuc/dich-COVID-19-xuat-nhap-khau-hang-hoa-van-uu-tien-cho-phong-chong-dich/dbf100cc-2ec8-4fd6-97c6-3e57269d9c02, truy cập ngày 8/8/2022.

[20] Báo biên phòng online (13/4/2022), “Thương mại Việt-Trung tăng trưởng mạnh”, https://www.bienphong. com.vn/thuong-mai-viet-trung-tang-truong-manh-post449 717.html#:~:text=B%C6%B0%E1%BB%9Bc%20sang%20n%C4%83m%202020%2C%20d%C3%B9,(t%C4%83ng%2011%2C55%25), truy cập ngày 8/8/2022.

[21] Tuổi trẻ online (31/1/2020), “Việt Nam viện trợ nửa triệu USD giúp Trung Quốc chống dịch virus corona”:

https://tuoitre.vn/viet-nam-vien-tro-nua-trieu-usd-giup-trung-quoc-chong-dich-virus-corona-2020013116431 0532.htm, truy cập ngày 8/8/2022.

[22] Truyền hình Thông tấn (08/04/2022), “Trung Quốc viện trợ Việt Nam 7,3 triệu liều vaccine”, https://vnews. gov.vn/video/trung-quoc-da-vien-tro-viet-nam-7-3-trieu-lieu-vaccine-35064.htm, truy cập ngày 10/8/2022.

[23] Hải quan online (28/1/2022), “Infographics: 166 tỷ USD xuất nhập khẩu Việt Nam- Trung Quốc năm 2021”: https://haiquanonline.com.vn/infographics-166-ty-usd-xuat-nhap-khau-viet-nam-trung-quoc-trong-nam-2021-158669.html, truy cập ngày 12/08/2022.

[24] Tuổi trẻ online (20/4/2022), “Mỹ đã trao tặng gần 40 triệu liều vắc xin cho Việt Nam”, https://tuoitre.vn/my-da-trao-tang-gan-40-trieu-lieu-vac-xin-cho-viet-nam-20220420055114345.htm, truy cập ngày 12/08/2022.

[25] Hải quan online (28/1/2022), “Infographics: 166 tỷ USD xuất nhập khẩu Việt Nam- Trung Quốc năm 2021”, https://haiquanonline.com.vn/infographics-166-ty-usd-xuat-nhap-khau-viet-nam-trung-quoc-trong-nam-2021-158669.html, truy cập ngày 12/08/2022.

0thảo luận