Ngày 10/05/2019, tại khách sạn InterContinental Hanoi Landmark 72 đã diễn ra Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekong 2019 với chủ đề “Hòa bình thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên và Hợp tác Hàn – Mekong”. Diễn đàn do Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - và Hội đồng Tây Đông Nam Á -Hội đồng tư vấn Thống nhất Hòa bình Dân chủ Hàn Quốc phối hợp tổ chức.
Phát biểu diễn văn khai mạc và chúc mừng, về phía Hàn Quốc có ông Kim Jeong-in, Hội trưởng Hội đồng Tây Đông Nam Á - Hội đồng tư vấn Thống nhất Hòa bình Dân chủ Hàn Quốc và ông Jeong Woo-jin, Tham tán công sứ - Tổng lãnh sự của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. Hai ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam với tư cách là quốc gia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, với nền tảng kinh nghiệm phát triển kinh tế trong thời gian qua, là một tấm gương quan trọng có thể đưa vấn đề phi hạt nhân hóa tiến triển, đồng thời cũng là bàn đạp quan trọng thúc đẩy hiện thực hóa chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc với nền tảng 3P (People, Peace, Prosperity - Con người, Hòa bình, Thịnh vượng).
Về phía Việt Nam, trong bài diễn văn khai mạc và chúc mừng, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã đồng khẳng định những tín hiệu đáng mừng trong bầu không khí an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, cũng như nhấn mạnh quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc đang ngày càng phát triển đi vào chiều sâu và lên tầm cao mới. Đồng thời, hai ông kỳ vọng rằng Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekong 2019 sẽ góp phần vào tiến trình xây dựng nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, tăng cường quan hệ hợp tác Hàn Quốc – Việt Nam và Hàn Quốc với các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong trong thời gian tới.
Ông Jeong Woo-jin, Tham tán công sứ - Tổng lãnh sự của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu chúc mừng tại diễn đàn
Diễn đàn gồm 2 phiên, được diễn ra trong không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở. Phiên 1 với chủ đề “Thiết lập hòa bình trên Bán đảo Hàn: Triển vọng và vấn đề” nhằm phân tích, đánh giá triển vọng và các nhiệm vụ của việc xây dựng nền hòa bình trên bán đảo. Phiên 2 với chủ đề “Hòa bình thịnh vượng trên Bán đảo Hàn và hợp tác Hàn Quốc – Mekong” hướng tới thảo luận về việc tăng cường hợp tác Hàn Quốc – Mekong, nhất là tác động của chính sách phương Nam mới của Chính phủ Hàn Quốc đối với sự phát triển quan hệ hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng chung giữa Hàn Quốc và Việt Nam, cũng như Hàn Quốc và các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong.
Tham gia thảo luận trong diễn đàn có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia và chính khách đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, như: TS. Choi Wan-kyu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Văn hóa liên cơ quan, Trường Đại học Shinhan; TS. Kim Ji-yoon, Ủy viên Ủy ban Kế hoạch chính sách (Tiểu ban Hòa bình Thịnh vượng); ông Pak Jae-kyong, điều phối viên chính sách Ủy ban đặc biệt chính sách phương Nam mới; GS. Yoo Seon-gi, Học viện Kinh tế, Trường Đại học Sogang; PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên; PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.
Những phát biểu đáng lưu ý trong phần bàn tròn thảo luận có thể kể đến như sau. Bà Kim Ji-yoon, nhà nghiên cứu hàng đầu về Triều Tiên và Bán đảo Triều Tiên, cho rằng trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc cần nhận thức rõ hơn về Triều Tiên – một quốc gia mang trong mình sự tự tôn mạnh mẽ, đặc biệt là về tiềm lực quân sự của họ. Ngoài ra, quan hệ Hàn – Triều cần dựa trên nền tảng về kinh tế, vì vậy, ngoài chính sách hướng Nam, Hàn Quốc cần quan tâm về hướng Bắc. Bà còn khẳng định Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 đã đánh dấu một bước tiến mới nhưng chưa đạt được thành tựu nào, trong khi đó, đến năm 2020, tại Mỹ sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống và chính quyền của ông Moon Jae-in cũng sắp hết nhiệm kỳ; vì vậy, bà dự đoán câu chuyện của Bán đảo Triều Tiên sắp tới sẽ không còn là vấn đề nóng, được liên tục đem ra thảo luận mà sẽ bị xếp hàng sau so với nhiều vấn đề khác của Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc. Ngoài ra, bà cũng nhắc đến một số yếu tố khác như: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều gặp phải một số sự phản đối từ người dân Mỹ, hay người dân Hàn Quốc (đặc biệt là giới trẻ) vẫn chưa được chuẩn bị tâm lý đối với việc thống nhất bán đảo. Do vậy, bà Kim Ji-yoon thiên về một cái nhìn bi quan hơn về triển vọng tương lai của hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
TS. Choi Wan-kyu thì nhấn mạnh đến sự khác biệt quan điểm về khái niệm “phi hạt nhân hóa” giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như việc Triều Tiên chưa có dấu hiệu mở cửa hội nhập, đồng thời, giao lưu nhân dân giữa Hàn Quốc và Triều Tiên thời gian vừa qua tỏ ra không thành công như mong đợi.
PGS.TS. Phạm Hồng Thái nhấn mạnh vai trò của tính độc lập và tự chủ trong việc giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên và khẳng định rằng sở dĩ Việt Nam đã thống nhất đất nước và đạt được thành tựu phát triển như ngày hôm nay là do đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong việc quyết định số phận của dân tộc mình. Ông cũng cho rằng quan điểm về kinh tế thị trường của Triều Tiên còn chưa rõ ràng; phải chăng Triều Tiên còn dè dặt đối với việc phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế là do lo ngại sự đe dọa đến hệ tư tưởng, văn hóa và an ninh của họ.
TS. Nguyễn Thị Thắm thì nhấn mạnh vai trò của Hàn Quốc trong quan hệ Mỹ - Triều và cho rằng Hàn Quốc nên đóng vai trò điều tiết và là đầu tàu dẫn dắt cho mối quan hệ này. Về Triều Tiên, TS. Nguyễn Thị Thắm đánh giá trong thập niên vừa qua, quốc gia này đã có những bước chuyển đổi chính sách quan trọng và đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển “kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Đặc biệt, những điều chỉnh về nông nghiệp của Triều Tiên mang nhiều đặc điểm giống với Khoán 10, Khoán 100 của Việt Nam, hướng tới trao sự tự chủ về sử dụng đất cho người sản xuất.
Ngoài ra, các ý kiến còn tập trung vào Chính sách phương Nam mới của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, nhấn mạnh về tầm quan trọng của khu vực ASEAN và nguyên tắc “Con người, Hòa bình, Thịnh vượng”; chú trọng hợp tác kinh tế mang tính tương hỗ giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN. Với chính sách này, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc giờ đây không đơn thuần là quan hệ giữa hai quốc gia mà đã được nâng lên tầm khu vực.
Sau hai phiên thảo luận sôi nổi, diễn đàn đã kết thúc tốt đẹp và được kỳ vọng sẽ thổi một nguồn động lực phát triển mới như: tăng trưởng xanh, phát triển cơ sở hạ tầng,… vào 5 quốc gia tiểu vùng Mekong; cũng như trở thành một cơ hội tốt để có thể mở rộng tư duy mới, đưa ra con đường cho sự phát triển hòa bình, thịnh vượng Hàn Quốc – Mekong bằng phương án hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Lương Hồng Hạnh